Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), 63 tỉnh/thành phố và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học…
Điểm cầu Văn phòng Chính phủ có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước; một số bộ, ngành, cơ quan trung ương; lãnh đạo Bộ GD-ĐT… Điểm cầu Bộ GD-ĐT có đại diện lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GD-ĐT. Điểm cầu các tỉnh/thành có Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh thành và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2020-2021 là năm toàn ngành giáo dục tiếp tục triển khai các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về triển khai đổi mới, căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đây cũng là năm bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình Quốc hội đề ra. Trong bối cảnh đại dịch Coivd-19 bùng phát tại hầu hết các địa phương trong cả nước, Bộ GD-ĐT đã chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch năm học một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương để cùng cả nước phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Năm học đã qua là năm kết thúc kế hoạch của 5 năm cũ và năm học mới là mở đầu cho kế hoạch 5 năm. “Vì vậy, báo cáo tổng kết 1 năm, nhưng cũng là nhìn lại chặng đường 5 năm và kế hoạch cho 5 năm tới với những định hướng cho cả chặng đường dài tiếp theo”, Bộ trưởng cho biết.
Trình bày báo cáo tổng kết năm học 2020-2021, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm học vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với cả nước, toàn ngành giáo dục đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19. Triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch với mục tiêu “đảm bảo sức khỏe, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên lên trên hết” đồng thời thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch; tăng cường thực hiện kế hoạch năm học, triển khai dạy học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá, ôn thi tốt nghiệp THPT; tổ chức hoạt động dạy và học, kết thúc năm học và tuyển sinh trong thời gian dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục đại học.
Các địa phương đều đã chủ động điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tổ chức dạy học qua Internet và trên truyền hình; điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá (trong đó, một số Sở GD-ĐT đã hướng dẫn kiểm tra cuối học kỳ II theo hình thức trực tuyến), hoàn thành kế hoạch năm học 2020 - 2021.
“Có thể khẳng định, mặc dù chịu tác động sâu rộng của dịch Covid-19 nhưng toàn ngành giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép trong năm học 2020 -2021, vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục”, báo cáo nhấn mạnh.
Tuy vậy, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, do dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp, thời gian trẻ em mầm non phải ở nhà trong thời gian dài, ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi; các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy học trực tiếp tại trường khi có đủ điều kiện và dạy học trực tuyến, trên truyền hình, qua mạng internet khi thực hiện giãn cách nên chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận giáo viên, kỹ năng tự học của một bộ phận học sinh, sinh viên và phát triển nguồn học liệu số phục vụ dạy và học trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu…
Còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa; thiếu quỹ đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học chưa được quy hoạch tổng thể và lâu dài, thiếu khả năng liên kết vùng để tạo sự dịch chuyển của lực lượng lao động giữa các địa phương.
Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học. Chất lượng đội ngũ không đồng đều, còn khoảng cách lớn giữa các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và các vùng thuận lợi. Một bộ phận giáo viên chưa theo kịp được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục; chưa sử dụng thành thạo giải pháp dạy học trực tuyến để quản lý lớp học, tổ chức các hoạt động học tập.
Đáng chú ý, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước, chưa đạt tỷ lệ theo quy định. Tỷ lệ chi cho con người (chi lương, các khoản theo lương) còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi thường xuyên tại các trường; nhiều địa phương chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 18% chi chuyên môn theo quy định, gây khó khăn cho công tác bảo đảm chất lượng dạy và học tại các địa phương. Việc mua sắm bổ sung thiết bị theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm. Đặc biệt trong tình hình dịch, học sinh phải học trực tuyến, tại những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đường truyền Internet còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát vào nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành kinh tế mới, kinh tế số. Nhiều chương trình giảng dạy phải thay đổi phần thực hành, thực tập cho phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh. Một số cơ sở đào tạo không hoàn thiện được chương trình đào tạo thực hành, đặc biệt là khối ngành sức khỏe (một số bệnh viện không thể cho sinh viên đến thực hành như đã cam kết), nhóm ngành nghệ thuật (sinh viên không thể đến cơ sở đào tạo để học tập trực tiếp).
Việc triển khai tự chủ đại học nhiều nơi còn lúng túng, nhiều cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ còn phát sinh các vấn đề trong quản trị nội bộ, ảnh hưởng tới hoạt động GD-ĐT…
Về vấn đề đội ngũ giáo viên, báo cáo cho hay, căn cứ số liệu thừa, thiếu giáo viên trên cả nước (hiện cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên và thừa 10.178 giáo viên các cấp học), Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế, gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số (không bao gồm 5 tỉnh Tây Nguyên và 14 tỉnh được bổ sung biên chế giáo viên mầm non năm 2019). Hiện nay tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo Luật Giáo dục 2019) cấp mầm non là 77,8%, tiểu học là 69,4%, THCS là 83,3%, THPT là 99,9%. |