Chưa hài lòng kết quả thu hồi tài sản tham nhũng

Sáng 5-5, các ĐBQH gồm: Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê; Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ tư lệnh TPHCM; ông Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh, đã tiếp xúc cử tri các quận 1, 3, 4 trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. 
Các cử tri góp ý tại buổi tiếp xúc cử tri của các ĐBQH TPHCM ngày 5-5
Các cử tri góp ý tại buổi tiếp xúc cử tri của các ĐBQH TPHCM ngày 5-5
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ trong thời gian qua, nhưng nêu yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng tham nhũng để kịp thời ngăn chặn trước khi tham nhũng bùng phát. 
Hồi chuông cảnh tỉnh 

Cử tri Hồ Quang Chính (quận 3) bày tỏ tin tưởng khi nhiều vụ án lớn, lãnh đạo chức vụ to như Ủy viên Bộ Chính trị, Trung tướng công an... mà vi phạm cũng bị xử lý. “Đây là thành công bước đầu, làm nức lòng cũng như củng cố niềm tin của nhân dân và đảng viên. Tuy nhiên, công tác chống tham nhũng còn một số mặt chưa thực hiện tốt như làm chưa đều, xử lý sai phạm còn nhẹ. Trong việc này, ai nhụt chí nên cho nghỉ. Người dân không cần người không làm được việc” - cử tri Chính nêu quan điểm.
 
Đồng tình, cử tri Lâm Ngọc Mạnh (phường 12, quận 3) cho biết, nhân dân đang theo dõi kết quả cuối cùng của “cuộc chiến chống tham nhũng”. Mặc dù nhân dân ngày càng tin tưởng vào công tác chống tham nhũng của Đảng, nhà nước nhưng vẫn còn băn khoăn về kết quả thu hồi tài sản chưa được bao nhiêu, làm thất thoát hàng vạn tỷ đồng. “Lợi ích nhóm đang luẩn quẩn đâu đây, chờ cơ hội để ngoi lên”, ông Mạnh nói. 

Riêng cử tri Nguyễn Minh Hoan (phường Tân Định, quận 1) trăn trở: “Nhân dân rất đau xót khi thấy có những vụ án kinh tế thất thoát hàng ngàn tỷ đồng từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy, cần phải có biện pháp phòng hơn là chống, làm sao để hạn chế thấp nhất nạn tham nhũng. Cần công khai tài sản cán bộ các cấp. Hình thức này sẽ ngăn chặn được tiêu cực từ đầu”. Cử tri Nguyễn Minh Hoan mong muốn cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng phải có tâm, có tầm.

Trả lời ý kiến cử tri về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định: “Chưa lúc nào công tác phòng, chống tham nhũng được quan tâm như hiện nay. Rõ ràng, ai cũng biết tham nhũng là giặc nội xâm, hệ quả trước mắt làm bệ rạc nền hành chính cũng như tạo ra những nguy cơ về vận mệnh đất nước. Đây là lúc mà Chính phủ (từ chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng) kiên định mục tiêu liêm chính, kiến tạo, dứt khoát xử lý tham nhũng”. Cũng theo ông Khuê, những vụ tham nhũng bị đưa ra xét xử vừa qua tuy có đau lòng nhưng phải làm. Đó cũng là tiếng chuông cảnh báo và tự mỗi đơn vị, mỗi người phải soi rọi, cảnh tỉnh. Nhờ đó, tạo dựng lại được niềm tin trong nhân dân.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho biết thêm: “Tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, theo định kỳ sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với thành viên Chính phủ để xem từng cơ quan có chương trình, nội dung cụ thể hóa những cam kết trước đó hay không. Phiếu tín nhiệm là thước đo giữa lời nói và việc làm của người cán bộ lãnh đạo, nếu trong bộ máy có sự vận hành chệch choạc thì cần phải uốn nắn”. 

Sau lưng “đại gia” gom đất ở các đặc khu là ai?

Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri Lâm Ngọc Mạnh (quận 3) cho rằng, việc hình thành 3 đặc khu Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh); Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) cũng chính là những khu vực đất màu mỡ cho các đại gia thao túng, đẩy giá đất lên chóng mặt. Vị cử tri này đặt câu hỏi: “Tại sao các đại gia nhiều tiền đến thế? Đằng sau các đại gia này là ai, trong khi đất nước còn nhiều khó khăn, nợ công lớn, trường học và bệnh viện xuống cấp. Quốc hội có nắm được thực trạng này không? Căn cứ vào đâu quyết định  3 nơi này trở thành đặc khu?”.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê xin ghi nhận chất vấn này vì chưa đủ cơ sở để trả lời. “Đoàn xin ghi nhận ở chỗ tại sao quy hoạch đặc khu chỉ có 3 đơn vị kinh tế đặc biệt mà không phải là 4 hay 5 đơn vị”, ông Khuê nói thêm. Tuy nhiên, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cũng cho rằng: “Về 3 đặc khu này, sẽ còn tranh luận nhiều như nội tại của nó đã đủ để trở thành đặc khu hay chưa? Vùng nào có ưu thế, đặc trưng hơn? Không thể nói Phú Quốc vừa làm du lịch vừa làm giải trí và Bắc Vân Phong cũng làm theo mô hình này... Rồi việc thành lập 3 đặc khu, có phải nhằm giải quyết về vốn hay tạo ra một cơ chế đặc biệt, một sự phát triển vượt trội để dẫn dắt các vùng kinh tế vùng?”...

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê ghi nhận tất cả ý kiến tâm huyết của cử tri và khẳng định đây là chất liệu quan trọng để Đoàn ĐBQH TPHCM tham gia tại nghị trường kỳ họp Quốc hội tới. Những vấn đề cử tri phản ánh không chỉ mang tính thời sự, mà còn đặt ra cho người đại biểu suy nghĩ làm thế nào, trong trọng trách của mình, để chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, hạnh phúc hơn. 

Tin cùng chuyên mục