Bộ GD-ĐT chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Cơ bản đội ngũ nhà giáo đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo
Báo cáo của Bộ GD-ĐT đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nguồn lực còn hạn hẹp, song với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội và nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, sự nghiệp GD-ĐT nước ta đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT, được các tổ chức giáo dục Thế giới ghi nhận, đánh giá cao.
Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được khẳng định trong khu vực và thế giới. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam có 2 trường đại học nằm trong danh sách 1.000 trường đại học danh tiếng nhất thế giới... |
Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đối với mầm non là 96,6%, tiểu học là 99,7%, THCS là 99,0%, THPT là 99,6%, đại học là 82,7%). |
Tính đến thời điểm ngày 15-8-2018, toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non và phổ thông. Trong đó, giáo viên các trường công lập là 858.772, ngoài công lập là 23.691. Trong số đó, giáo viên mầm non là 309.770 (công lập là 262.155, ngoài công lập là 47.615); tiểu học là 395.848 (công lập là 390.873, ngoài công lập là 4.975); THCS là 305.815 (công lập là 300.990, ngoài công lập là 4825); THPT là 149.710 (công lập là 135.819, ngoài công lập là 13.891). Tỷ lệ giáo viên/lớp toàn quốc cụ thể là: nhóm trẻ: 1,77 giáo viên (GV)/lớp (thấp hơn so với định mức quy định là 0,73 GV/lớp); mẫu giáo: 1,68 GV/lớp (thấp hơn so với định mức quy định là 0,52 GV/lớp); Tiểu học: 1,43 GV/lớp (so với định mức quy định giáo viên tiểu học còn thiếu chủ yếu ở các môn ngoại ngữ, tin học); THCS: 1,99 GV/lớp (so với định mức quy định, giáo viên THCS về cơ bản đủ tuy nhiên vẫn thừa thiếu cục bộ); THPT: 2,25 GV/lớp (so với định mức quy định giáo viên THPT về cơ bản đủ). Tổng số cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông: 103.432 người. Số lượng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông được các địa phương giao thêm để tuyển mới cho năm học 2018-2019 là 34.242 biên chế (mầm non: 13.939 biên chế; tiểu học: 10.538 biên chế; THCS: 7.109 biên chế; THPT: 2.656 biên chế). Toàn quốc có 28 tỉnh không được giao thêm biên chế để tuyển mới giáo viên cho năm học 2018-2019. |
Thiếu 75.730 giáo viên so với định mức, nhưng thừa cục bộ trên 15.000 giáo viên
Bộ GD-ĐT đánh giá, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng mạnh về số lượng, chất lượng và sự đồng bộ cơ cấu trong 5 năm qua, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục đất nước. Sự bất hợp lý trong cơ cấu đội ngũ nhà giáo theo cấp học, chuyên môn, ngành nghề và vùng miền đã dần được khắc phục .
Tuy nhiên, vấn đề thừa thiếu giáo viên vẫn rất nan giải.
Toàn quốc chỉ có 2/63 tỉnh, thành phố không thiếu giáo viên là Đà Nẵng, Đồng Nai; 21 tỉnh thiếu nhiều giáo viên (thiếu từ 1.000 giáo viên trở lên), đặc biệt là thiếu giáo viên mầm non, tiểu học. Hà Nội là địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất với 12.681 giáo viên. |
Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2018- 2030. Đã ban hành văn bản quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng theo định hướng cập nhật, đáp ứng yêu cầu của GD-ĐT trong giai đoạn mới. Xây dựng khung năng lực giáo viên phổ thông các môn học đặc thù; chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán…
Toàn quốc hiện có 1.248.180 giáo viên, giảng viên. Trong đó, cấp mầm non là 316.616 giáo viên; tiểu học: 397.098 giáo viên; THCS: 310.953 giáo viên; THPT: 150.721 giáo viên; đại học: 72.792 giảng viên. Tổng số cán bộ quản lý cấp học mầm non, phổ thông là 149.100 người; khối giáo dục đại học là 5100 người, khối phòng, sở, Bộ là 15.900 người. |
Đồng thời, xây dựng và thực hiện các chính sách tạo động lực cho giáo viên và giáo sinh; nghiên cứu chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm trong thời gian học và sau khi ra trường; nghiên cứu, rà soát và đề xuất chế độ, chính sách tuyển dụng, sử dụng, lương, phụ cấp và thu nhập của giáo viên,...
Theo Bộ GD-ĐT, Nghị quyết số 29 xác định lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp, tùy theo tiêu chuẩn, công việc, theo vùng. Quan điểm này cũng đã được đặt ra từ Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII. Do đó, Bộ đề nghị cần có chế độ, chính sách về lương thích hợp để tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.