Chưa được cấp chứng thư xuất khẩu: Doanh nghiệp đưa thanh long đi làm... từ thiện

Do việc chậm trễ trong việc cấp chứng thư xuất khẩu sang châu ÂU, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở tỉnh Lâm Đồng buộc phải đổ bỏ, bán tháo, thậm chí đưa thanh long tới các bệnh viện để làm từ thiện.

Sáng 26-7, trao đổi với Báo SGGP, đại diện Công ty TNHH Sơn Trà (tỉnh Lâm Đồng) cho biết vừa vận chuyển khoảng 6 tấn thanh long sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP (chưa hết hạn sử dụng) xuống các bệnh viện ở TPHCM để làm từ thiện, phát cho các bệnh nhân đang điều trị, để tránh lãng phí.

Nguyên nhân của sự việc này là do phía cơ quan nhà nước chậm trễ trong việc cấp chứng thư (cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Liên minh châu Âu), dẫn đến lượng thanh long bảo quản trong kho lạnh gần hết hạn nhưng không thể bán cho đơn vị xuất khẩu.

z6841963351820_38a6868b79a3c9b336aecbd9f1830484.jpg
Khoảng 6 tấn thanh long GlobalGAP không xuất khẩu được đã được Công ty TNHH Sơn Trà (Lâm Đồng) đưa xuống các bệnh viện ở TPHCM để làm từ thiện

"Nếu bán tháo theo kiểu hàng chợ thì 1kg thanh long GlobalGAP chỉ thu về từ 1.000-2.000 đồng. Do đó, để tránh lãng phí và một phần muốn cung cấp thanh long sạch cho các bệnh nhân sử dụng, chúng tôi quyết định đưa toàn bộ số hàng này về các bệnh viện ở TPHCM để làm từ thiện", phía Công ty TNHH Sơn Trà, chia sẻ.

Ngoài việc đưa thanh long đi làm từ thiện, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, cung cấp thanh long cho đơn vị xuất khẩu đi châu Âu ở tỉnh Lâm Đồng đang tìm cách bán hàng chục tấn thanh long cho các thị trường khác với giá chỉ từ 3.000-5.000 đồng/kg, thậm chí bán hàng chợ với giá 1.500 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí sản xuất, thu hoạch, vận chuyển,... 1kg thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP lên tới hơn 20.000 đồng/kg.

TL2.jpg
Hàng chục tấn thanh long dự kiến xuất khẩu sang châu Âu của các doanh nghiệp ở Lâm Đồng đã quá thời hạn trữ lạnh, buộc phải đổ bỏ

Ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận (tỉnh Lâm Đồng) lý giải, hàng trăm tấn thanh long của nông dân và doanh nghiệp tại Lâm Đồng đang phải bán tháo, bỏ phí hoặc đưa đi làm từ thiện chỉ vì một lý do: chậm cấp chứng thư xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đây là sự cố bất ngờ khiến toàn ngành sản xuất thanh long tại địa phương gần như "đứng bánh".

Ông Trịnh Anh Hào, Giám đốc Công ty TNHH Trịnh Anh – đơn vị có hợp đồng cung cấp 38 tấn thanh long mỗi tháng cho đơn vị xuất khẩu, cho biết: “Từ ngày 26-6 đến nay, chúng tôi không thể đưa hàng qua châu Âu do không được cấp chứng thư. Hàng trăm tấn thanh long ruột trắng và ruột đỏ bị tồn, phải bán tháo cho thị trường khác với giá chỉ 3.000–5.000 đồng/kg, thậm chí có lúc còn bán 1.500 đồng/kg.” Với giá thành sản xuất 12.500–15.000 đồng/kg (chưa tính giá trị lãi vay với khấu hao đất, chi phí thu hoạch, vận chuyển,...), doanh nghiệp này thiệt hại gần 3 tỷ đồng chỉ trong một tháng.

tl3.jpg
Hàng trăm tấn thanh long của các doanh nghiệp xuất khẩu qua châu Âu đã phải đổ bỏ hoặc bán tháo với giá rẻ mạt

Theo tìm hiểu, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng từng triển khai nhiều dự án với sự hỗ trợ của ngân sách địa phương, trung ương và nguồn vốn quốc tế để xây dựng hình ảnh trái thanh long trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu có thương hiệu và chỗ đứng nhất định tại châu Âu, sự thay đổi cơ chế thiếu đồng bộ lại gây đứt gãy chuỗi cung ứng.

Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rào cản hành chính trong xuất khẩu nông sản. Nếu không sớm tháo gỡ, nông sản Việt dù đạt chuẩn vẫn có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi, không phải vì chất lượng, mà vì cơ chế.

Trước đó, Báo SGGP liên tục có tin, bài phản ánh ngành hàng thanh long và nhiều mặt hàng nông sản “tắc đường” sang thị trường châu Âu. Trong đó có việc từ ngày 1-7, phía châu Âu yêu cầu việc cấp chứng thư để xuất khẩu nông sản qua thị trường này phải do cơ quan nhà nước Việt Nam thực hiện. Sự thay đổi này khiến việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua châu Âu bị ách tắc. Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN-MT) đã có văn bản giao Sở ATTP TPHCM thực hiện việc cấp chứng thư, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

t.jpeg
Doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân sản xuất thanh long sạch ở Lâm Đồng đang lo mất thị trường châu Âu do việc chậm cấp chứng thư xuất khẩu

Liên quan đến vấn đề này, ngày 24-7, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ xử lý thông tin báo chí nêu về ngành hàng thanh long, hồ tiêu xuất khẩu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ NN-MT khẩn trương ban hành, hướng dẫn đầy đủ quy định về hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với với nông sản xuất khẩu (nhất là thanh long và hồ tiêu) phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu, nhất là châu Âu; Kịp thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và địa phương khi thực hiện các thủ tục xuất khẩu nông sản; Chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương liên quan đảm bảo hàng hóa nông sản đủ điều kiện được xuất khẩu kịp thời, không gây tồn đọng, lãng phí, gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng uy tín với các đối tác quốc tế.

Tin cùng chuyên mục