Doanh nghiệp điêu đứng
Theo ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận (tỉnh Lâm Đồng), trước đây, việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và cấp chứng thư xuất khẩu qua thị trường châu Âu do các doanh nghiệp tự kiểm định hoặc thông qua các bên thứ ba. Tuy nhiên, mới đây, phía thị trường châu Âu phát hiện một số lô hàng thanh long của Việt Nam có dư lượng thuốc BVTV nên tiến hành kiểm tra và phát hiện quy trình cấp chứng thư bị sai.

Cụ thể, thay vì chứng thư phải do cơ quan nhà nước Việt Nam cấp, nhưng lại để doanh nghiệp thực hiện. Do đó, phía châu Âu yêu cầu phải thực hiện lại quy trình. Chính sự thay đổi này đang đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long cũng như một số mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, đậu, bắp, từ ngày 1-7 đến nay, các doanh nghiệp không thể thực hiện giao dịch. Ông Trần Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Thanh long Thuận Tiến (xã Hàm Liêm, tỉnh Lâm Đồng), lo lắng: “Hiện chúng tôi đang tồn kho hơn 50 tấn thanh long không thể xuất khẩu được. Việc chậm trễ cấp chứng thư có thể gây thiệt hại cho hợp tác xã hàng tỷ đồng”.
Theo ông Trung, thanh long xuất khẩu qua thị trường châu Âu phải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và chỉ bảo quản trong kho lạnh tối đa 15 ngày. Do vậy, nếu sắp tới không có giải pháp thì không chỉ thanh long tồn kho, mà lượng thanh long sắp thu hoạch không biết bán đi đâu. Tương tự, đại diện Công ty TNHH Sơn Trà (tỉnh Lâm Đồng) thông tin, hiện các kho bảo quản đông lạnh của công ty đang lưu trữ hàng chục tấn thanh long. Nếu trong 5 ngày tới, việc cấp chứng thư để xuất khẩu không được thực hiện thì sẽ phải đổ bỏ toàn bộ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Phải nhanh chóng tháo gỡ
Theo Sở NN-MT tỉnh Lâm Đồng, với diện tích trên 26.000ha, sản lượng trên 600.000 tấn/năm, địa phương đang là vùng trồng thanh long trọng điểm của cả nước. Nếu chậm trễ trong việc cấp chứng thư để xuất khẩu không chỉ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại, mà còn làm ảnh hưởng lớn đến giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản.
Lý giải về sự ách tắc này, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận (tỉnh Lâm Đồng) Huỳnh Cảnh cho rằng, thực ra, các quy trình, thủ tục xuất khẩu thanh long đi thị trường châu Âu đã có sẵn từ trước. Hiện tại, phía châu Âu chỉ yêu cầu thay đổi đơn vị kiểm tra tồn dư thuốc BVTV và cấp chứng thư từ đơn vị tư nhân sang đơn vị nhà nước. Giờ cơ quan chức năng yêu cầu ban hành lại quy trình, thủ tục thì chẳng khác nào bắt đầu lại từ đầu, làm cho các thủ tục trở nên rườm rà, không đáng có.
Trước tình hình trên, ngày 11-7, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN-MT) đã có văn bản giao nhiệm vụ cho Sở An toàn thực phẩm TPHCM thực hiện thủ tục hành chính kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu và cấp giấy chứng nhận theo yêu cầu của châu Âu (đơn vị cấp chứng thư phải do cơ quan nhà nước cấp).
Tuy nhiên, đến ngày 14-7, Sở An toàn thực phẩm TPHCM có văn bản gửi Bộ NN-MT nêu rõ, đến nay, việc cấp giấy chứng nhận theo yêu cầu của châu Âu chưa được Bộ NN-MT hướng dẫn cụ thể, nên không có căn cứ pháp lý để thực hiện. Để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, đậu, bắp… qua thị trường châu Âu, Sở An toàn thực phẩm TPHCM kiến nghị Bộ NN-MT sớm ban hành quy định hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận theo yêu cầu của châu Âu để đơn vị có căn cứ pháp lý thực hiện.