Bộ GTVT cho biết, hiện dự án xây dựng mở rộng QL51 đoạn từ Km0+900 - Km 73+600 theo hình thức hợp đồng BOT vẫn chưa có sự thống nhất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước.
Đây là cơ sở để tổ chức thực hiện xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định. Do vậy, việc tháo dỡ tài sản dự án BOT là trạm thu phí trên QL51 chưa thực hiện được.
Trước đó, vào tháng 12-2023, Bộ GTVT đã báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc xử lý kiến nghị của nhà đầu tư dự án xây dựng mở rộng QL51 theo hình thức hợp đồng BOT. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục xử lý kiến nghị của nhà đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ và hợp đồng đã ký kết.
Đến tháng 4-2024, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản của dự án xây dựng mở rộng QL51 đoạn từ Km0+900 - Km73+600 theo hình thức hợp đồng BOT.
Tuy nhiên, trong văn bản phúc đáp, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT và nhà đầu tư xử lý các vướng mắc, tồn tại và hoàn thiện hồ sơ để Bộ Tài chính đủ cơ sở có ý kiến xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản dự án BOT QL51.
Sau đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan ký kết hợp đồng và nhà đầu tư tiếp tục giải quyết các nội dung tồn tại đối với dự án BOT QL51 và hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định. Hiện công việc này chưa hoàn thành.
QL51 dài 72km, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến đường này do Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) quản lý và khai thác từ năm 2013. Trên tuyến quốc lộ này, BVEC đã đặt 3 trạm thu phí BOT gồm T1, T2 và T3.
Vào đầu tháng 1-2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã có thông báo tạm dừng thu phí dự án BOT QL51 đoạn từ Km0+900 - Km73+600 theo hợp đồng BOT đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để đàm phán điều chỉnh thời gian thu phí tạo lợi nhuận với nhà đầu tư dự án.