Chưa đồng ý đưa vào dự thảo luật quy định văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân

Ngày 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp và cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) (viết tắt là dự thảo luật - PV).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tại phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số vấn đề lớn của dự thảo luật đã cơ bản được các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, về các điều khoản quy định trong dự thảo luật đối với mô hình tổ chức của văn phòng công chứng (VPCC) vẫn còn những ý kiến chưa thống nhất.

Cụ thể, một số ý kiến đại biểu tán thành với quy định của dự thảo luật về mô hình của VPCC hoạt động theo loại hình công ty hợp danh (doanh nghiệp có ít nhất hai người cùng góp vốn và danh nghĩa để hoạt động kinh doanh dưới tên chung, cùng liên đới chịu trách nhiệm vô thời hạn từ các hoạt động kinh doanh).

Đáng chú ý, tại phiên họp, một số đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định về mô hình VPCC là doanh nghiệp tư nhân (DNTN), là loại hình công ty TNHH bên cạnh công ty hợp danh. Việc áp dụng mô hình này có thể áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc hoặc cho các VPCC được thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo giải thích, quy định này có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn cho công chứng viên khi thành lập VPCC. Luật hiện hành và dự thảo luật đều quy định cho phép VPCC được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động, qua đó đã khắc phục được những bất cập của VPCC theo mô hình DNTN phụ thuộc vào 1 công chứng viên duy nhất.

Về đề xuất trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, công chứng viên là người phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và có chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện chứ không phải hành nghề vì mục tiêu đơn thuần lợi nhuận. Bên cạnh đó, do công chứng là dịch vụ công nên yêu cầu quan trọng phải bảo đảm tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ, trong khi mô hình DNTN chỉ do 1 công chứng viên làm chủ khó đáp ứng được.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thời gian qua, một số bất cập trong thực tiễn liên quan mô hình công ty hợp danh của VPCC, như việc công chứng viên hợp danh thứ hai chỉ đứng tên chứ không tham gia hành nghề thực chất tại VPCC, thường xuyên chấm dứt tư cách hợp danh ở VPCC này để hợp danh vào VPCC khác, đến nay đã được giải quyết bằng các quy định trong dự thảo luật.

Tin cùng chuyên mục