Liên quan tới vụ ngộ độc Botulinum sau khi ăn cá chép muối ủ chua tại Quảng Nam khiến 10 người nhập viện trong trường hợp rất nguy kịch, trong đó có 1 ca đã tử vong, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế cho biết), độc tố Botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường thiếu không khí. Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố Botulinum. Độc tố Botulinum gây ngộ độc rất nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.
Người bị ngộ độc do độc tố Botulinum thường có biểu hiện: buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp, gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), Botulinum là độc tố cực độc, chưa đến 0,1mg đã có thể gây tử vong. Sau khi ăn thực phẩm có chứa Botulinum thì độc tố này hấp thu vào cơ thể, gắn chặt vào vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ.
Để phòng ngừa ngộ độc do độc tố Botulinum, người dân cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận; thận trọng với các thực phẩm đóng kín có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường; ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín vì độc tố Botulinum nhanh chóng bị phân hủy khi thực phẩm được nấu chín. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (dưa muối, măng, cà muối) cần đảm bảo phải chua, mặn và không nên ăn khi thực phẩm hết chua.