Tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng thực tế lĩnh vực này vẫn tồn tại không ít hạn chế, từ hệ thống văn bản pháp luật chồng chéo, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa được quy hoạch, chưa có chính sách đầu tư xây dựng nguồn nhân lực… Đã khá lâu, câu chuyện xây dựng văn hóa cơ sở mới được đề cập một cách quy mô và thấu đáo trong hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, vừa được tổ chức tại TPHCM. Cấp thiết quy hoạch thiết chế văn hóa cơ sở Gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa là một trong những tiêu chí của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện ở nhiều địa phương đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Ông Lưu Duy Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Kon Tum, cho biết: “Việc bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh vẫn chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các khâu - từ đăng ký, xây dựng, bình xét và thẩm định. Một số địa phương còn chạy theo chỉ tiêu, thành tích, dẫn đến chất lượng danh hiệu không phản ánh đúng thực chất, từ đó danh hiệu chưa được người dân coi trọng. Chưa kể, quy định pháp luật gia đình văn hóa chưa cụ thể nên mỗi địa phương hiểu theo góc độ khác nhau, dẫn đến có nơi tỷ lệ gia đình văn hóa tỷ lệ thuận với tỷ lệ hộ nghèo”. Tuy có sự nỗ lực vận động và thực hiện của tất cả các ban ngành đoàn thể ở địa phương, phong trào triển khai rộng khắp, nhưng có một thực tế phải nhìn nhận là việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phát triển chưa đồng đều ở các khu vực, các vùng miền. Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, chia sẻ câu chuyện của huyện miền núi A Lưới. Ở đây, cộng đồng dân tộc thiểu số khi bệnh thường có phong tục cúng thần. Khi triển khai chương trình đưa bác sĩ về thôn bản, đến khám bác sĩ, bệnh nhân vẫn giữ tục lệ của họ: vừa uống thuốc vừa cúng lễ. Tuy nhiên, cùng với thời gian và hiệu quả khám chữa bệnh của các bác sĩ, người dân đã tự nhận thức và dần bỏ tục cúng lễ, không cần phải vận động. “Cũng từ thực hiện xây dựng nếp sống văn minh trong tang ma cưới hỏi, ở địa phương đã thực hiện tổ chức lễ tang từ 48 giờ đến tối đa 72 giờ, giảm rất nhiều tình trạng quàn người chết lên đến 7 ngày như trước đây”, ông Dung nói thêm. Chủ trương xây dựng đời sống văn hóa là đúng đắn, tuy nhiên trong vận hành thực tế cũng có những bài học cần rút kinh nghiệm. Sự can thiệp của Nhà nước vào văn hóa của các cộng đồng dân cư cần phải tôn trọng văn hóa truyền thống, tập quán của địa phương. “Làm con đường giao thông, chính quyền cho mở đường thẳng (để giảm bớt kinh phí) xuyên qua cổng làng, nhưng với người dân địa phương, việc đi xuyên qua cổng làng là điều cấm kỵ. Rồi nữa, lễ cúng nhà rông của một số dân tộc thiểu số ở Kon Tum theo tục lệ chỉ diễn ra vào tháng 7. Nhưng địa phương được đầu tư kinh phí, phục dựng nhà rông xong vào tháng 3 thì bắt dân làm lễ cúng nhà rông… tháng 3! Việc này hoàn toàn không nên”, bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế. Nhiều địa phương cũng trăn trở, khi việc triển khai thực hiện xây dựng đời sống văn hóa cơ sở còn gặp khó khăn bởi sự vướng víu, chồng chéo của chính sách và các văn bản pháp luật: bất cập tại các Quyết định số 2164, số 1780 của Thủ tướng Chính phủ và một số thông tư hướng dẫn trong xây dựng văn hóa cơ sở. Và cấp thiết hơn, các ngành chức năng cần sớm có quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Tiếng nói ngành văn hóa còn yếu Những ngày qua, truyền thông cả nước thông tin hàng loạt những biểu hiện suy thoái của cán bộ lạm quyền, nhũng nhiễu, vô cảm với người dân. Nguyên nhân sâu xa nhất, bắt nguồn từ yếu tố văn hóa. “Văn hóa chưa được tôn trọng khi xã hội chưa nhận thức đầy đủ về văn hóa. Tiếng nói của ngành văn hóa còn quá yếu khi Nhà nước chưa quan tâm trọng thị”, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, bày tỏ. Xác định văn hóa đóng vai trò nền tảng, cốt lõi của sự phát triển đất nước nhưng chưa thật sự được coi trọng, chưa được đầu tư đúng mực, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy lý giải về những nguyên nhân của thực trạng trên: “Ngân sách nhà nước cấp cho các trung tâm văn hóa - thể thao còn hạn chế. Kinh phí hoạt động ít, cơ sở vật chất thiếu thốn và xuống cấp, trang thiết bị nghèo nàn, nguồn nhân lực để vận hành các thiết chế văn hóa ở cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn. Mặt khác, quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa chưa được quan tâm quy hoạch; có địa phương còn dùng quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao vào mục đích khác”. PGS-TS Trương Minh Dục, Học viện Chính trị khu vực 3, nhìn nhận việc đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với sự phát triển mọi mặt của kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Tại một số địa phương, việc xây dựng văn hóa cơ sở và bảo tồn văn hóa ở một số cộng đồng dân tộc thiểu số còn mang tính áp đặt, chưa bám sát thực tế. “Cái nền tảng, cốt lõi của việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là ở đâu? Đó là ở những khu dân cư, từng khu phố, gia đình, từ tỉnh, huyện về xã, ấp, đến tận các thôn bản... Nhưng thực sự Nhà nước đầu tư quá dàn trải, nên chưa thể đạt hiệu quả như mong muốn được. Nên chăng, các nhà quản lý chính sách cần phải ngồi lại, đánh giá nghiêm túc những kết quả từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Xây dựng văn hóa nông thôn mới” để hướng đến một cách làm thống nhất”, PGS-TS Trương Minh Dục tâm tư. “Cái lớn nhất mà chúng ta cảm nhận, trong một đất nước đang có nhiều thay đổi, hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế như hiện nay thì hình như sinh hoạt văn hóa và nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc chưa đi cùng, chưa khẳng định là nét đẹp đọng lại trong cuộc sống của xã hội chúng ta như định nghĩa bình thường về văn hóa. Cái đạo lý, thanh lịch của Tràng An, cái nền nã, nghĩa tình của núi và biển hay cái phóng khoáng, chân thật của đồng bằng đã được giữ gìn và phát huy thế nào, ra làm sao?”, những tâm tư của ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đặt ra nhiều câu chuyện để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm.
Theo Bộ VH-TT-DL, hiện nay trong cả nước có 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh (trung tâm văn hóa, nhà triển lãm..); 613/713 quận, huyện có trung tâm văn hóa - thể thao hoặc nhà văn hóa (tỷ lệ 86%); 5996/8136 phường, xã, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao (73,7%); 66.513/109.727 thôn, bản, buôn, làng có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 60,6%.
Các thiết chế văn hóa thuộc các bộ ngành, đoàn thể gồm: 22 nhà văn hóa lao động cấp tỉnh, 32 nhà văn hóa lao động cấp huyện; 65 nhà văn hóa cấp tỉnh thuộc quân đội, công an nhân dân, thanh niên, phụ nữ; 106 nhà văn hóa cấp huyện thuộc quân đội, công an nhân dân, thanh niên, phụ nữ.
Các thiết chế văn hóa thuộc các bộ ngành, đoàn thể gồm: 22 nhà văn hóa lao động cấp tỉnh, 32 nhà văn hóa lao động cấp huyện; 65 nhà văn hóa cấp tỉnh thuộc quân đội, công an nhân dân, thanh niên, phụ nữ; 106 nhà văn hóa cấp huyện thuộc quân đội, công an nhân dân, thanh niên, phụ nữ.