Hội nghị này là cầu nối để các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân… cùng đánh giá, nhìn nhận thực trạng tổng quan nuôi biển tại Việt Nam hiện nay cũng như trên thế giới.
Hội nghị còn được kỳ vọng là cầu nối thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư vào nuôi biển, đầu tư hệ thống hạ tầng logistics phục vụ nuôi biển công nghiệp trong thời gian tới tại Việt Nam.
Việt Nam có trên 1 triệu km2 diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế, nhưng diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Theo Bộ NN-PTNT, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 256.000ha với sản lượng mỗi năm trên 800.000 tấn nuôi biển. Như vậy, nuôi biển còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, song vì nhiều lý do (cả chủ quan và khách quan) nên đến nay, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho biết, khó khăn hiện nay là chúng ta vẫn chưa hề xây dựng được một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nào làm căn cứ cho các doanh nghiệp đầu tư, cũng như làm cơ sở để các địa phương quản lý. Chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn thì rất khó quản lý ngành nuôi biển.
Mới đây, tại lễ kỷ niệm 65 năm ngành thủy sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu trong chiến lược kinh tế thủy sản Việt Nam thời gian tới là giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển.