Chiều 4-8, tại Cần Thơ, Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ về tình hình thực hiện chính sách xã hội và thực trạng di cư tự phát vùng ĐBSCL.
Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, thời gian qua, công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại ĐBSCL có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân nhất là đồng bào dân tộc Khmer, Chăm được cải thiện. Trung bình mỗi năm, toàn vùng giải quyết việc làm trên 331.000 lao động; cơ bản hoàn thành nâng cấp bệnh viện đa khoa tuyến huyện và liên huyện; tỷ lệ trạm y tế trong vùng có bác sĩ phục vụ chiếm 71%, đạt tỷ lệ 5,7 bác sĩ/10.000 dân. Tỷ lệ người dân nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt trên 87%; các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có trường dân tộc nội trú, hiện toàn vùng có 26 trường với 7.500 học sinh theo học. Toàn vùng hiện còn trên 65.700 hộ nghèo có nhu cầu bức xúc về nhà ở...
Về vấn đề di dân, thời gian qua, nguồn nhân lực ở ĐBSCL đã có sự chuyển dịch rất lớn đến các vùng công nghiệp khác như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... để làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu, khảo sát thực tế để đánh giá đúng về vấn đề này. Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo bàn về thực trạng di dân tự phát để tìm ra giải pháp bố trí dân cư theo hướng phát triển bền vững.
XUÂN QUANG