Trong đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 vừa được trình lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm này, 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định vẫn chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội.
Vì vậy, trong giai đoạn từ 2016 đến nay chưa có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Bộ Xây dựng đã 2 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và gửi Ngân hàng Nhà nước cho vay là 15 dự án với tổng mức đầu tư là 14.300 tỷ đồng, tổng mức vay dự kiến là 6.091 tỷ đồng. Bộ Xây dựng đang tiếp tục tổng hợp danh mục từ các địa phương để công bố các dự án đủ điều kiện được vay theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, hiện có 41/63 địa phương có báo cáo về số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai. Theo đó, các địa phương đang có 240 dự án với nhu cầu vay vốn khoảng 34.552 tỷ đồng.
Riêng đối với đối tượng cá nhân, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 3.163 tỷ đồng, chiếm 35% nhu cầu giai đoạn 2016-2020, để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động thêm 3.163 tỷ đồng nữa để thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội theo quy định.
Tuy nhiên, con số đã giải ngân được cũng chưa đạt yêu cầu. Đến nay trên cả nước mới giải ngân được 1.816 tỷ đồng cho 5.500 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.