Về câu hỏi vì sao các hãng không tăng chuyến để khai thác tối đa lượng khách, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, các hãng sẽ tăng chuyến dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường. Khi lượng khách đặt chỗ đạt 70%, Cục HKVN sẽ yêu cầu các hãng tăng chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Cục HKVN không thể yêu cầu các hãng đưa ra một nguồn cung lớn hơn nhu cầu thực tế, gây lãng phí. Vậy các nhà khai thác cảng hàng không có cần giảm giá dịch vụ để giảm bớt khó khăn cho các hãng, từ đó giảm giá vé máy bay hay không? Câu trả lời của ngành chức năng là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) là doanh nghiệp nhà nước nắm trên 95% vốn. Doanh nghiệp này thực hiện thu giá dịch vụ hàng không theo danh mục, mức giá Nhà nước ban hành.
Trong giai đoạn dịch Covid-19, Bộ GTVT đã ban hành chính sách trợ giá dịch vụ hàng không, như giảm 50% giá cất/hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa… Tuy nhiên, đến nay đã hết thời hạn các gói hỗ trợ này. Còn vì sao giá vé của các chuyến bay đêm không giảm nhiều như kỳ vọng, đại diện các hãng bay cho biết, giá vé bay đêm khó giảm sâu do các chuyến bay chỉ chở khách một chiều. Bên cạnh đó, các cảng hàng không cũng không giảm được nhiều chi phí dịch vụ cho các hãng bay, do chi phí để duy trì bay đêm cao.
Như vậy, có thể thấy, khả năng giảm giá vé máy bay trong thời điểm hiện tại là rất thấp. Theo phân tích của nhiều chuyên gia hàng không, trong các yếu tố cấu thành giá vé, nhiên liệu chiếm tới hơn 40% tổng chi phí. Trong khi hiện giá nhiên liệu tăng hơn 60% so với năm 2019. Mặt khác, các chi phí như tỷ giá, nhân công, giá thuê máy bay và bảo dưỡng đều tăng cao và các hãng không chủ động được. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, để vé máy bay giảm cần giải bài toán tổng thể từ việc chi phí đầu vào giảm đến nhu cầu đi lại phải tăng lên... Đặc biệt, khi tiềm lực tài chính đủ mạnh, các hãng hàng không có thể đưa ra nhiều dải giá vé linh hoạt hơn.