Chiến thắng có tỷ số 2-0 của đương kim vô địch Premier League - Leicester City - trước Stoke City mới rồi có nghĩa là, đội bóng có biệt danh là “Bầy cáo” đã giành được 5 trận toàn thắng kể từ khi sa thải HLV người Ý Claudio Ranieri. Ở vế ngược lại, HLV Craig Shakespeare cũng được hưởng lợi khi có được chuỗi 5 trận toàn thắng; qua đó, trở thành HLV người Anh đầu tiên có 4 trận mở màn toàn thắng ở đấu trường Premier League. Chiến thắng này đã giúp Shakespeare gia nhập hàng ngũ của những nhà cầm quân ngoại quốc lừng danh như là Carlo Ancelotti, Pep Guardiola, Guus Hiddink và Jose Mourinho, những HLV đã khởi đầu công việc của mình ở giải Ngoại hạng Anh bằng 4 trận đấu toàn thắng.
Nhưng mà, “đó là một thành tích chưa được chứng thực”, “là một thành tích chưa được kiểm chứng”. Đến thời điểm này ở Leicester, người ta chưa trông thấy có một cuộc cách mạng nào đến với đội bóng vốn đã rệu rã trong 5 trận đấu trước đó (Leicester toàn thua trong cả 5 trận đấu cuối nhiệm kỳ của Ranieri), người ta cũng chưa thấy một sự điều chỉnh rõ rệt nào về mặt chiến thuật hay nhân sự, Leicester vẫn là Leicester như thế, cái khác đi chỉ là tâm lý thi đấu bùng nổ hơn, tinh thần chơi bóng thoải mái hơn, và điều này, Shakespeare không thể tự tay một mình tạo nên, ông cần sự hỗ trợ đặc biệt từ các học trò mới của mình, đơn cử với trường hợp của Jamie Vardy, người đã chơi cực hay kể từ khi Ranieri bị sa thải và đã ghi được 4 bàn thắng trong 4 trận gần đây ở giải Ngoại hạng Anh.
Thế nên, Shakespeare có thật sự có tài năng cầm quân hay là không? Chưa ai dám chứng thực điều đó. Điều mà người ta chỉ có thể chứng thực ngay vào lúc này, ông đã có được sự hợp tác trọn vẹn từ các cầu thủ Leicester, những người vẫn đang bị đay nghiến suốt cả ngày là đã phản bội ông thầy cũ của mình. Đó có thể là, một tác động khôn ngoan để kích thích tâm lý của các cầu thủ. Đó cũng có thể là, một sự thỏa hiệp để các bên cùng có lợi. Nhưng biết đâu, đó chỉ là một dấu hiệu của sự thay đổi, khi các cầu thủ Leicester cần một tấm bình phong cho hoạt động mới của mình.
Với Shakespeare, mùa giải thứ 2 mới là mùa giải bản lề thật sự, nơi tất cả mọi ánh mắt soi tham chiếu, mọi sự soi xét đều nhắm vào ông để xem, thực chất ông có tài năng, như là Ranieri hay là không. Nhưng cũng có khi, Shakespeare không cần đến một khoảng thời gian dài như vậy. Nếu ông giúp Leicester trụ hạng thành công, và đó đã là một cửa rất sáng nước lắm rồi, khi Leicester đang xếp thứ 13, cách khu vực đèn đỏ đến 6 điểm, và giúp “Bầy cáo” tiến xa ở đấu trường Champions League, xa hơn nữa, vào đến bán kết hoặc hơn – dại gì không mơ mộng, người ta sẽ chẳng còn nhớ ông tài giỏi hay là không, chỉ biết rằng ông đã gặp thời. Như những gì Roberto di Matteo đã trải qua, để rồi lận đận trong những bước đi còn lại của sự nghiệp…
DƯƠNG ĐỖ