Cây bần cứ thế mà vươn mình lớn lên ở vùng nước mặn, trái bần lủng lẳng, chẳng chờ đợi ai thu hoạch hay nâng niu như đặc sản, bởi bản thân nó đã là một nét đặc trưng khắp miệt đồng bằng.
Miệt vườn Tây Nam bộ, đâu đâu cũng có thể gặp cây ăn trái theo mùa, thậm chí với kỹ thuật canh tác mới, trái nghịch mùa vẫn trĩu cành. Nhưng cây để hái được trái không phải tự nhiên mà lớn, người nông dân phải chắt chiu, chăm chút, tỉ mẩn từng ngày. Và cây ăn trái cần nguồn nước ngọt, lớp đất phù sa màu mỡ vun bồi thì trái mới ngon.
Cây bần lại khác, loại cây mọc theo triền sông, nước mặn, nước ngọt, nước lợ hay mùa nắng hạn, chịu cảnh phèn chua vẫn có thể vươn mình. Bà con, hàng xóm với bần có đám cây đước, cây mắm, cây vẹt. Trong số đó, bần xứng đáng giành ngôi “hoa khôi”, bởi cây mọc ngoài biền, ven sông mà có trái ăn được thì chỉ có bần.
Đám trẻ ở quê bây giờ cũng chẳng mặn mà gì trái bần vừa chua vừa chát, họa may ra chỉ còn hạp với dân nhậu miệt vườn, xị đế với trái bần chấm muối, cũng thành một bữa xỉn quắc cần câu… Tên không đẹp, trái cũng không ngon, nhưng cây bần có một cái “giá” khác, vươn mình mà lớn nơi đất ngập mặn, giữ đất cho sông quê tránh sạt lở.
Trái bần dẫu không ngon, quê mùa, thô kệch từ cái tên, nhưng sinh ra và lớn lên ở miệt vườn, thì kiểu gì cũng có một vị thế riêng trong ẩm thực quê nhà. Cây trái quanh nhà, chỉ cần ăn được thì món nào cũng có thể sáng tạo. Nấu canh chua bần, thì chọn trái bần chín, vị chát không còn đáng kể, dầm vào nước ấm như nấu canh chua với me vắt. Nồi canh nóng hổi, chua thanh thanh, thoang thoảng mùi bần chín cũng đủ hết sạch nồi cơm.
Người nào khéo tay hơn, từ cách nấu canh chua bần dân dã nâng lên thêm một bước thành món lẩu bần. Nồi lẩu đủ vị chua, chát, mặn, ngọt và cay nhè nhẹ nhờ mấy trái ớt hiểm, ăn cùng mớ rau miệt vườn như bông súng, kèo nèo, rau muống, lục bình… Món ăn cây nhà lá vườn dung dị, nhưng đủ ngon, đủ lạ và đủ tâm tình để chủ nhà đãi khách một bữa cơm quê.
Hay mắm cá đồng như cá linh, cá sặt, cá lóc… thì chọn trái bần vừa tới độ già, còn đủ vị chua, vị chát thấm vị mặn của mắm, cùng chút cay nồng của ớt, thơm của tỏi. Gặp dân nhậu là đúng bài mồi ngon tới bến. Hay bữa cơm chiều thì thể nào cũng vét sạch nồi, cơm cháy ăn với bần chấm mắm, đặc sản không phải ở đâu cũng thưởng thức được.
Cái vị chua chát nơi đầu lưỡi, thường phải qua một đoạn thăng trầm trong cuộc sống, người ta mới thấm thía, mới thấy được vị ngon. Ngày còn bé, đám bạn quanh nhà tôi hay rủ nhau đi hái bần.
Đứa nào cũng giành phần hái thật nhiều, trái non, trái già và cả đám bông bần đều lặt sạch. Nhưng cắn một cái rồi thôi, đứa nào kiên nhẫn hơn thì chạy về nhà lấy thêm miếng muối để chấm. Cốt yếu là để cái miệng hay ăn hàng của tụi con nít có cái nhai nhóp nhép, không có đứa nào nói thèm hay thấy bần ngon.
Hơn nửa đời xa quê, mỗi bận về nhà, chú tôi hay nhắc trái bần chấm mắm còng, nồi canh chua bần nóng hổi những chiều mưa rả rích ngoài đê. Tôi cũng không hiểu được vị bần ngon chỗ nào mà chú cứ nhắc, tía tôi liền giải thích: “Có chua có chát rồi sẽ có ngọt có bùi, lớn lên bây hiểu lời chú hà”.
Chúng tôi lớn lên, khúc sông quê nhà vẫn thế, nhánh bần, nhánh đước xào xạc cùng đám lá dừa nước mỗi buổi chiều tà. Thỉnh thoảng anh Ba tôi hay nhắc má nấu nồi canh chua bần, chúng tôi lớn lên lại thích cái vị chua chua chát chát của trái bần, hay đứa kén ăn như tôi cũng bắt đầu thích vị nhẫn của trái khổ qua… Có lẽ những trái như trái bần, sinh ra đã mang vị chua chát, chỉ dành cho ai thấu hiểu những buồn vui trong đời, trong cái chua cái chát, người ta tìm thấy vị quê hương thân tình, lắng đọng.