Hội nghị triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5-1-2024 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vừa được Bộ KH-ĐT tổ chức sáng nay, 29-2, tại Hà Nội.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế; đại diện hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp; đại diện các viện nghiên cứu, các trường đại học, chuyên gia nhằm nắm bắt những nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 02/NQ-CP; trao đổi về kết quả và bài học kinh nghiệm trong cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh và thảo luận về các vấn đề của doanh nghiệp, các đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc triển khai nghị quyết.
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, Nghị quyết số 02/NQ-CP được kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh; từ đó thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
Tại hội thảo, các ý kiến từ hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp ghi nhận sự chỉ đạo thường xuyên, rốt ráo của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh. Các phiên họp Chính phủ hàng tháng luôn nhấn mạnh tới yêu cầu này; nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng đã được ban hành. Tuy vậy, cải cách môi trường kinh doanh chậm (hoặc không) chuyển biến; thậm chí có lĩnh vực, rào cản nặng nề hơn; từ đó sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn và niềm tin sụt giảm.
Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn nhìn nhận, bên cạnh những mặt thuận lợi hơn (tài liệu được đơn giản hóa, thời gian giải quyết thủ tục rút ngắn, phương thức thực hiện qua điện tử phổ biến hơn, nhiều quy định vướng mắc liên quan đến điều kiện kinh doanh được kịp thời sửa đổi…) thì một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh còn hình thức; đề xuất cắt giảm thiếu tính đột phá.
“Nhiều vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh chưa được xem xét. Đặc biệt, trong quá trình rà soát cắt giảm các văn bản hiện hành, có hiện tượng các văn bản đang soạn thảo lại bổ sung rào cản mới”, chuyên gia này nêu rõ.
Một dẫn chứng, theo ông Đậu Anh Tuấn là, Nghị định 10/2020/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp vận tải hành khách hợp đồng phải cung cấp tối thiểu nội dung hợp đồng vận chuyển đến Sở GTVT bằng email trước mỗi chuyến đi, trong khi đó doanh nghiệp có hàng trăm chuyến đi mỗi ngày, việc yêu cầu cung cấp thông tin như trên tạo nên chi phí tuân thủ rất lớn. Điều này gây khó khăn cả cho cơ quan quản lý, khi mỗi ngày nhận được hàng trăm email.
Dẫn chứng về vướng mắc được doanh nghiệp phản ánh đã lâu nhưng chưa sửa, ông Tuấn nói, Nghị định 09/2016/NĐ-CP yêu cầu tăng cường iốt vào muối dùng để ăn trực tiếp, chế biến thực phẩm; bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm. “Doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm phản đối rất mạnh mẽ quy định này vì gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng chi phí và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế. Nghị quyết 19/2018/NQ-CP đã yêu cầu sửa đổi quy định này, song đến nay vẫn chưa có nghị định sửa đổi”.
7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Nghị quyết 02/NQ-CP
1. Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư;
2. Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh;
3. Cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia;
4. Nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu;
5. Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp;
6. Hoàn thiện chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh;
7. Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.