Thừa ủy quyền Chính phủ, chiều 14-7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã trình bày Tờ trình số 314/TTr-CP ngày 3-7-2020 của Chính phủ về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.
Qua thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, theo quy định hiện hành, sách giáo khoa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá.
“Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có chủ trương lớn là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa, do đó, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa là chưa phù hợp với mục tiêu, quan điểm trong Nghị quyết của Quốc hội và trái với nguyên tắc thị trường, chưa phù hợp với quy định của Luật Giá.
Mặt khác, để đảm bảo mức giá phù hợp trong cơ chế thị trường thì Chính phủ cần có cơ chế để mở rộng đối tượng được in ấn, phát hành sách giáo khoa, bảo đảm có nhiều nhà cung cấp cùng sản phẩm, từ đó góp phần giảm giá bán sản phẩm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết.
Qua xem xét hồ sơ theo Tờ trình số 314/TTr-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (chưa có dự thảo văn bản, Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, Báo cáo tác động của việc ban hành chính sách; tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan...).
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung đầy đủ Hồ sơ theo quy định. Trường hợp thực sự cần thiết, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Giá.