Chưa bệnh viện nào đủ điều kiện tự chủ toàn diện, cố làm thì "gậy ông đập lưng ông"? ​

Thực hiện tự chủ bệnh viện (BV) là một quyết sách lớn của Nhà nước và đây cũng là xu thế được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tự chủ BV cũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Đơn cử, sau 2 năm triển khai thí điểm tự chủ toàn diện, 2 BV tuyến cuối của cả nước là BV Bạch Mai và BV K đều đã xin dừng thí điểm.

Chiều 14-11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn”.

Tại tọa đàm, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, năm 2020, BV Bạch Mai và BV K là 2 trong 4 BV được Chính phủ chỉ định thí điểm tự chủ toàn diện (15 năm trước đó, BV thực hiện tự chủ chi thường xuyên). Trong bối cảnh hầu hết thiết bị y tế trong BV Bạch Mai thực hiện theo đề án liên doanh liên kết, năm 2019, qua thanh tra BV bị phát hiện thiếu sót, sai phạm liên quan tới công tác liên doanh liên kết.

“Điều này ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng bởi khi chúng tôi bắt tay vào tự chủ toàn diện: những đề án đã hết hợp đồng thì được dừng lại, các đề án còn hợp đồng thì vướng vào các thủ tục pháp lý, vướng vào sai phạm. Có 11/27 đề án được Thanh tra Chính phủ kiểm tra thì có sai phạm và đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra”, Giám đốc BV Bạch Mai nói. Ông cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, khi thực hiện thì các văn bản pháp quy của việc xã hội hóa, liên doanh liên kết chưa chuẩn. 11/27 đề án vướng, dẫn đến các thiết bị y tế trong BV Bạch Mai thiếu trầm trọng, ví dụ như toàn bộ hệ thống thiết bị siêu âm, nội soi...

“Ngân sách của BV hiện tại thiếu, những mục như chi thường xuyên, chi lương thưởng cho cán bộ, nhân viên không đủ”, PGS-TS Đào Xuân Cơ nói.

Chưa bệnh viện nào đủ điều kiện tự chủ toàn diện, cố làm thì "gậy ông đập lưng ông"? ​ ảnh 1 PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Đáng nói, mặc dù thí điểm tự chủ toàn diện nhưng toàn bộ giá dịch vụ kỹ thuật y tế BV thu hầu hết đúng bằng giá bảo hiểm y tế; chưa bao giờ BV được tự chủ về giá. Trong khi đó, trên 90% bệnh nhân là người hưởng bảo hiểm y tế, trong số này có nhiều người nghèo, người có công, người vùng sâu vùng xa, BV không thu thêm bất cứ nguồn thu nào, giá thu đúng bằng giá bảo hiểm y tế, thực hiện nghiêm túc văn bản pháp quy hiện tại của Chính phủ, Bộ Y tế, dẫn đến thu không đủ để chi. 

“Chúng tôi rất buồn khi có người ưu tú, chuyên môn nghiệp vụ tốt, tay nghề cao đã rèn luyện ở BV 5-10 năm được các BV tư nhân mời sang làm việc. Trong năm 2020-2021, số lượng khoảng 200 cán bộ rời đi. Từ tháng 1-2022 đến nay, có 110 cán bộ giỏi, kể cả khối hậu cần, kế toán chuyển đi do chi trả, đãi ngộ không xứng đáng. Họ nói giám đốc chưa lo được cho đời sống của anh em. Có cả cán bộ đi vì cần các thiết bị y tế. Ví dụ như cán bộ Trung tâm Ung bướu nói không có thiết bị thì không làm được nữa. Mà đầu tư cho trung tâm ung thư là rất lớn, hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Đấy là những bài toán khó”, Giám đốc BV Bạch Mai phản ảnh.

Theo PGS-TS Đào Xuân Cơ, tự chủ toàn diện thì phải được tự chủ về giá, nhưng chúng ta chưa có quy định. Giá ở bệnh viện công lập vẫn phải tuân thủ quy định, phải phục vụ an sinh xã hội chứ không thể nâng giá cao. Trước đây BV thực hiện liên doanh, liên kết nên thu giá liên doanh, liên kết, nhưng sau bị chỉ rõ sai phạm thì vướng vì không có văn bản hướng dẫn thu giá liên doanh, liên kết rõ ràng, nếu làm rất dễ vướng và dễ sai phạm. Tự chủ toàn diện BV thì chắc chắn phải xã hội hóa. Trong xã hội hóa, các vấn đề liên doanh liên kết, thuê địa điểm, thuê máy móc thiết bị y tế… phải có văn bản pháp quy hết sức chặt chẽ để có hành lang pháp lý chuẩn. Nếu không thì BV ngại làm, không dám làm vì dễ vướng sai phạm.

Chưa bệnh viện nào đủ điều kiện tự chủ toàn diện, cố làm thì "gậy ông đập lưng ông"? ​ ảnh 2 TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hộị

GS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K cho rằng, không phải BV K và Bạch Mai dừng tự chủ mà là chuyển từ hình thức tự chủ này sang tự chủ khác. “Đầu tư máy móc cần rất nhiều tiền mà BV không lo được. Trước mắt chúng tôi rất muốn Nhà nước đầu tư 3-4 năm, sang năm thứ 5 chúng tôi đủ nguồn vốn thì tự chủ toàn diện”, GS-TS Lê Văn Quảng nêu.

GS-TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, người đã từng thực hiện tự chủ BV cũng cho rằng, nếu tự chủ quá mức thì vô tình tư nhân hóa, sẽ sai định hướng XHCN, sai đường lối của Đảng. “Tôi không ủng hộ tự chủ đến mức cao nhất, nhiều nhất. Chỉ nên tự chủ mức chi thường xuyên”, GS-TS Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cũng cho rằng, nếu không tính toán mà đã xây dựng và giao chuyển tự chủ cho BV khi người ta chưa đủ điều kiện thì "lợi bất cập hại", "gậy ông đập lưng ông". “Điều này tôi nói trước Quốc hội và tôi không ủng hộ tự chủ BV hoàn toàn. Tại sao chưa tự chủ toàn diện được? Có 3 vấn đề: Đầu tiên là thể chế chưa đáp ứng yêu cầu để tự chủ toàn phần; khâu tổ chức thực hiện cũng có vấn đề; vấn đề mang tính chất rất quyết định là  cơ chế giá thì cũng chưa có”, TS Bùi Sỹ Lợi nêu.

Tự chủ toàn diện là bao gồm cả tự chủ về đầu tư, xây dựng cơ bản, nhưng hiện các BV chưa đủ năng lực về tài chính để bởi giá chưa tính đúng, tính đủ. “Nếu chúng ta tự chủ theo cách này đối với ngành y thì chỉ đem lại khó khăn, vướng mắc cho người dân”, TS Bùi Sỹ Lợi nêu. Theo ông, chưa có một cơ sở y tế nào, kể cả tuyến trên, tuyến cuối và tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu có đủ điều kiện để tự chủ toàn phần. "2 hạng BV: tuyến cuối cùng và BV tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, dứt khoát Nhà nước phải đầu tư", ông nói.

Tin cùng chuyên mục