Uống nước chữa bách bệnh!?
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị cho người bệnh P.T.M. (60 tuổi, ở Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội) bị ngộ độc nước kiềm, nhiễm kiềm chuyển hóa và hạ kali máu. Trải qua gần 1 tuần nằm viện, sức khỏe bà M. dần cải thiện. Bà M. cho biết, do bản thân có nhiều bệnh lý như dạ dày, tá tràng, đại tràng, u tuyến giáp, tê bì tay chân…, nên khi nghe một số người quen mách bảo về địa chỉ uống nước kiềm chữa bệnh ngay ở địa phương mình, bà đã tìm đến để xin nước chữa bệnh.
“Ở đó họ không khám mà chỉ hỏi về tình trạng bệnh. Sau đó, tôi được hướng dẫn uống nước kiềm mỗi ngày được lấy từ máy lọc nước của họ, pha thêm chút muối cho dễ uống và không ăn gì. Ngày uống tối thiểu từ 5-6 lít, trong khoảng 10-15 ngày”, bà P.TM. kể lại “phác đồ” điều trị. Chỉ sau 5 ngày uống loại nước từ máy lọc được pha muối và nhịn ăn, bà M. đã không thể đứng vững do hoa mắt, chóng mặt, nôn liên tục nên được gia đình đưa đi cấp cứu.
Cũng nghe lời mách bảo về uống nước kiềm như bà P.T.M. là 3 người bệnh ở Lai Châu. Cả 3 người trên dù đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu nhưng khi được giới thiệu về loại nước kiềm có khả năng chữa được nhiều bệnh thì đã tự ý ngừng chạy thận để xuống Thanh Oai (Hà Nội) tìm loại nước “thần kỳ” này để sử dụng. Tuy nhiên, sau chưa đầy 3 ngày uống nước kiềm, cả 3 người đã khó thở, hôn mê, phải chuyển vào Trung tâm Chống độc để cấp cứu.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, việc uống quá nhiều nước bình thường (nước lọc hay nước đun sôi để nguội) trong một ngày, kể cả ở người khỏe mạnh, sẽ rất nguy hiểm, có thể gây phù thũng, phù phổi, pha loãng máu, hạ natri máu, phù não, hôn mê, co giật…, chứ chưa nói đến việc uống lượng lớn nước kiềm mỗi ngày.
“Máu của cơ thể có độ pH duy trì ổn định là 7,35-7,45, và chỉ số này cho phép các chất trong cơ thể, enzym di chuyển và hoạt động, giúp cho các phản ứng hấp thu, chuyển hóa, hoạt động các cơ quan trong cơ thể. Khi có thay đổi về độ pH của máu, cơ thể sẽ bị rối loạn, nhiều bệnh tật phát sinh theo. Đặc biệt, khi uống nhiều nước kiềm, độ pH của cơ thể bị tăng lên, gây rối loạn cảm giác, hôn mê, hạ kali máu dẫn tới loạn nhịp tim, liệt, hôn mê, thậm chí tử vong”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thông tin.
Nhịn ăn chữa ung thư
Gần đây, trên mạng xã hội TikTok đang lan truyền clip về việc một phụ nữ bị ung thư tuyến giáp, ung thư đại tràng và Parkinson nhưng sau 26 ngày nhịn ăn (tiết thực), chỉ uống 1 cốc nước gạo rang mỗi ngày thì đã khỏi bệnh. Cùng với clip trên là đoạn video khác cũng nói về một số trường hợp bị ung thư dạ dày và ung thư thực quản, nhưng chỉ cần tiết thực từ 2-3 tuần là “chiến thắng” được các căn bệnh hiểm nghèo trên.
Sau khi những clip này được lan truyền, không ít người bày tỏ ý kiến tán thành việc chữa bệnh bằng cách nhịn ăn vì cho rằng nếu cơ thể đói thì “bệnh cũng đói”, đồng nghĩa với việc các tế bào ung thư sẽ bị triệt tiêu do không có nguồn dinh dưỡng để nuôi. Tuy nhiên, các bác sĩ tại Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị rất nhiều trường hợp người bệnh ung thư nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch do tiết thực để chữa bệnh.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thái Hòa, Trưởng khoa Nội 2, Bệnh viện K, hiện nay để điều trị bệnh ung thư, cùng với các trang thiết bị hiện đại là các phương pháp chữa bệnh chính thống đã được khoa học chứng minh, như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và một số liệu pháp điều trị toàn thân. Trong quá trình điều trị, dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng. Dinh dưỡng đúng cách, đầy đủ giúp người bệnh có đủ sức khỏe để có thể tiếp cận được các liệu pháp điều trị chính thống, vượt qua được bệnh tật.
Do đó, nhịn ăn nhiều ngày để chữa bệnh, đặc biệt với bệnh ung thư, là không có cơ sở khoa học. Phương pháp này không giúp người bệnh chữa khỏi bệnh mà còn khiến người bệnh bị suy kiệt nặng nề sức khỏe, dẫn tới việc điều trị trở nên khó khăn hơn. “Khi cơ thể suy kiệt, hệ miễn dịch sẽ suy giảm, tế bào ung thư sẽ phát triển nhanh hơn, làm người bệnh càng mất đi nhiều cơ hội sống”, PGS-TS Nguyễn Thị Thái Hòa chỉ rõ.
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM mới đây cảnh báo, nhiều người bị biến chứng nặng, thậm chí tử vong do sử dụng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường không rõ nguồn gốc, trong đó có chứa phenformin (một loại thuốc đã bị cấm lưu hành). Các loại thuốc có chứa phenformin được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau, như: viên thuốc gia truyền, thuốc tễ, tiểu đường hoàn, viên tiểu đường…
Nhiễm toan lactic do phenformin trên người bệnh đái tháo đường giai đoạn đầu thường biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, yếu cơ. Khi tình trạng nặng dần sẽ có biểu hiện thở nhanh, tim đập nhanh, tụt huyết áp, rối loạn tri giác và suy hô hấp.
MINH NAM