Chưa bền vững trong gỡ khó về thuốc, vật tư y tế cho bệnh viện

Ngày 10-3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối tới 1.300 điểm cầu trong cả nước để phổ biến Nghị định 07/NQ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP về tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế nhằm giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam băn khoăn: dù Nghị quyết 30 đã gỡ khó khăn cho các bệnh viện khi cho phép thanh toán bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ thực hiện bằng “máy đặt, máy mượn”, nhưng điều đó chỉ giải quyết khó khăn tức thời. Do đó, cần đưa nội dung này vào luật để ổn định, không thể để tái diễn vướng mắc thanh toán như thời gian qua.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa Trịnh Hữu Hùng đề nghị, phải có cơ chế, quy định áp dụng dài hơi hơn, không thể để hết năm 2023 lại khiến các bệnh viện “rối bời” trong việc mua sắm trang thiết bị y tế. Cùng với đó, đối với những loại thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế độc quyền (chỉ có một đơn vị sản xuất, cung ứng) nên chuyển sang hình thức đàm phán giá, thay vì tổ chức đấu thầu như hiện nay.

Nhiều cơ sở y tế cũng cho rằng, Nghị quyết 30 và Nghị định 07 tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc mà các bệnh viện đang gặp phải nhưng các quy định chỉ có tính ngắn hạn. Như vậy, hết năm 2023 hay năm 2024, các khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế lại tái diễn, đòi hỏi phải có chính sách dài hơi hơn.

Đặc biệt, nhiều đơn vị cũng băn khoăn về những hướng dẫn trong Nghị quyết 30 mới chỉ mang tính tạm thời, liệu sau này có được chấp nhận khi thanh tra, kiểm toán hay không? Các đơn vị đề xuất cần triển khai Nghị quyết 30 tới các bộ, ngành khác để sau này không gây khó cho các đơn vị của ngành y tế trong quá trình thanh kiểm tra.

Tin cùng chuyên mục