Tiếp tục tìm “nơi ở mới”
Ông Nguyễn Minh Điền, Phó giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận 8, cho biết chung cư Tân Mỹ (phường Tân Phú, quận 7) có 351 căn dùng để bố trí tái định cư cho những hộ bị giải tỏa nhà ven kênh rạch và tại một số dự án của TPHCM.
Qua khảo sát vào tháng 7-2017, trong 351 căn nói trên, đến nay chỉ có 110 hộ còn ở, 213 căn đã được chuyển nhượng qua người khác, 27 căn cho thuê và 1 căn dùng để tạm cư.
Tương tự, tại chung cư tái định cư An Sương (quận 12), kết quả khảo sát cho thấy trong tổng số 175 căn dùng để tái định cư, đến nay đã có 116 căn được chuyển nhượng, 3 căn cho thuê, còn lại chỉ có 56 căn là “chính chủ”.
“Thực tế người dân sau khi bán nhà tái định cư rồi đi đâu, làm gì, chính quyền địa phương không biết. Tại nhiều dự án ở Nhà Bè, quận 7, khi đặt vấn đề này, chính quyền chỉ biết bà con đi về các tỉnh lân cận như Long An chứ không nắm cụ thể như thế nào”, ông Phạm Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM, cho biết.
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) có nhiều hộ dân chuyển nhà đi nơi khác vì không có kế sinh nhai
Trong 5 năm qua, TPHCM đã thực hiện điều tra xã hội học về cuộc sống người dân sau tái định cư, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp gì mới để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc. Theo khảo sát của các đại biểu HĐND TP, hiện nay, hơn 80% các hộ dân sau khi được Nhà nước bố trí tái định cư tại các chung cư đã bán qua tay.
Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, nêu ra những con số khảo sát đáng giật mình: Chất lượng nhà ở của người dân sau khi tái định cư ngang bằng với nơi ở cũ chỉ có 68%, thấp hơn so với nhà cũ là 16,2%. Về việc làm sau tái định cư, ngang bằng với nơi cũ là 77%, kém hơn nơi cũ khoảng 13%.
“Thực tế đáng phải suy nghĩ, khi rất nhiều người dân được bố trí tái định cư đã phải quay về nơi ở cũ để kiếm kế sinh nhai”, ông Hải nói.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, qua 40 cuộc giám sát của HĐND TP, có thể thấy nhiều nơi đã không đánh giá được cuộc sống của người dân sau tái định cư. Chính quyền địa phương và các ngành có liên quan dường như đã bỏ quên việc này.
Chủ quyền nhà bị “treo”
Dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây (quận 8) được thực hiện từ năm 1996. Tuy nhiên, do mật độ dân cư sống ven và trên kênh rạch của quận 8 dày đặc, nên đến năm 2009, TPHCM chọn đây là dự án đặc biệt của chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2010-2015. Có 540 hộ dân thuộc dự án rạch Ụ Cây giai đoạn 1 (thuộc các phường 9, 10, 11 của quận 8) chọn phương án nhận nhà tái định cư và di dời vào năm 2010.
Trong đó, khoảng 350 hộ dân đủ điều kiện mua nhà tái định cư được bố trí vào chung cư Tân Mỹ. Đến nay, có 130 hộ đã trả xong tiền, đủ điều kiện cấp giấy chủ quyền căn hộ nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết.
Đại diện Công ty Dịch vụ công ích quận 8, đơn vị được giao quản lý chung cư, cho hay đang làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho dân. Tuy nhiên, do chủ đầu tư dự án không cung cấp được bản đồ hiện trạng đất nên cơ quan chức năng phải tiến hành đo vẽ lại từ đầu. Việc cấp giấy chủ quyền chậm một phần còn do vướng việc đóng tiền sử dụng đất.
Chung cư này hiện còn khoảng 250 căn hộ chưa bố trí tái định cư, nên chưa thu được tiền của dân để đóng tiền sử dụng đất. “Công ty phải xin UBND TP cho nợ tiền sử dụng đất và đã được chấp thuận” - đại diện Công ty Dịch vụ công ích quận 8 cho biết.
Bà Phi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, cho rằng người dân nhận nhà tái định cư từ năm 2010, đến nay vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền là quá chậm.
Từ năm 2013, HĐND TP đã yêu cầu cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chủ quyền cho dân, nhưng đến nay đã gần 5 năm mà vẫn chưa xong. Do đó, đề nghị UBND quận 7 và quận 8 phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn để nhanh chóng cấp giấy chủ quyền căn hộ cho người dân.
Các đại biểu HĐND nhận định, việc nhanh chóng cấp giấy chủ quyền nhà cũng là một điểm để thu hút người dân bị di dời ở các dự án tin tưởng và chọn nhà tái định cư do Nhà nước bố trí.
Theo ông Đào Gia Vượng, Phó Chủ tịch UBND quận 7, việc chậm cấp giấy chủ quyền tại chung cư tái định cư Tân Mỹ là do thiếu sự phối hợp giữa đơn vị quản lý (Công ty Dịch vụ công ích quận 8) và chính quyền địa phương.
Người dân nhường đất cho sự phát triển chung của TP, nhưng sau đó cuộc sống lại gặp khó khăn hơn, nhiều người phải bán nhà đi nơi khác, tiếp tục cuộc sống tạm bợ. Điều này có phần trách nhiệm của một số tổ chức, cơ quan chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ.
Vì vậy, để cuộc sống “hậu tái định cư” của người dân được ổn định, cần chú trọng thực hiện những vấn đề thiết thực như giải quyết công ăn việc làm cho dân, cấp giấy chủ quyền nhà để họ có thể thế chấp vay vốn ngân hàng làm ăn…, chứ không thể chỉ cấp căn nhà là xong.