Biết “nói không” với việc vứt rác bừa bãi
Những năm gần đây, nhiều nơi tại TPHCM hễ cứ mưa xuống là ngập nước, gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, khốn khổ cho cư dân đô thị. Tình trạng này là do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là hệ thống thoát nước đã cũ kỹ, xuống cấp và quá tải, không theo kịp tốc độ đô thị hóa quá nhanh, nên khi mưa xuống không tiêu thoát kịp. Cộng thêm, nhiều người thiếu ý thức đã xả rác xuống cống rãnh, san lấp, lấn chiếm kênh rạch, khiến nghẽn dòng, ngập nước.
Rạch Hai Heo (hẻm 117 Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, nối với kênh Văn Thánh) bị rác ken kín làm cản trở dòng chảy. Ảnh: THU HƯỜNG
Có nhiều rác và vật dụng phế thải chui lọt xuống cống rãnh, kênh rạch là do có một số người trực tiếp đổ xuống và không ít người gián tiếp làm việc này khi “vô tư” mang các túi rác thải, vật dụng phế thải ra bỏ gần miệng cống hay ven kênh rạch, không nghĩ rằng khi mưa xuống là những thứ này sẽ theo nước chui tọt xuống cống rãnh, kênh rạch, gây nghẽn dòng, úng ngập. Vì vậy, cùng với việc triển khai các giải pháp và thực hiện các công trình chống ngập, cần chú trọng xây dựng ý thức giữ vệ sinh môi trường cho cư dân đô thị. Qua đó, mỗi công dân TPHCM tự nhìn lại xem bấy lâu nay mình đã hành xử đúng hay chưa trong việc giữ vệ sinh môi trường. Những người vẫn còn thiếu ý thức, vô trách nhiệm với cộng đồng phải bị nhắc nhở và xử phạt nghiêm túc, để mọi cư dân đô thị đều biết “nói không” với việc vứt rác, phế liệu bừa bãi.
ĐẶNG ĐỨC (quận 9, TPHCM)
Tự giác giữ vệ sinh chung
Cứ tầm 4 giờ sáng, trong khi mọi người đang ngủ ngon giấc trong chăn ấm, nệm êm, thì ngoài đường phố, các công nhân vệ sinh cần mẫn gom từng túi rác trước mỗi nhà cho vào xe đẩy, quét dọn những bao bì, giấy vụn vương vãi trên đường. Sáng ra, đường phố sạch sẽ, có mấy ai chợt nghĩ về những người công nhân vệ sinh làm những công việc thầm lặng đó. Nhiều người vô tâm cho là việc đương nhiên, quên rằng công việc giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường đô thị của những người công nhân vệ sinh đáng được tôn trọng.
Hiện nay, còn nhiều cư dân thiếu ý thức với việc giữ vệ sinh đô thị, tùy tiện quét rác xuống miệng cống, vứt rác ra giữa lộ, họp chợ tự phát và chiếm dụng vỉa hè làm hàng quán rồi xả rác thải ngay trên vỉa hè. Những việc như vậy góp phần làm ô nhiễm môi trường, gây tắc nghẽn cống rãnh, ngập úng và gây vất vả thêm cho công nhân vệ sinh. Để chấn chỉnh tình trạng này, từng khu dân cư cần tuyên truyền vận động, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường trong mọi tầng lớp nhân dân.
Sự tự giác giữ vệ sinh chung, bảo vệ môi trường không chỉ để giữ sức khỏe cho chính bản thân, mà còn phải được hiểu là sự thể hiện nhân cách, là nét đẹp văn hóa văn minh. Mọi hành vi xả rác bừa bãi phải bị đưa ra nhắc nhở, chấn chỉnh trong các cuộc họp sinh hoạt khu phố. Trong việc giáo dục học sinh ở nhà trường, việc cần làm là rèn luyện cho học sinh ý thức tự giác không xả rác bừa bãi, biết tôn trọng công việc của người công nhân quét rác trên đường. Phải vận động thật sâu, thật thấm để mọi cư dân đều nhận thức hành xử có văn hóa trong việc giữ vệ sinh chung.
TRẦN MINH THI (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre)
Mạnh tay trị thói quen vứt rác bừa bãi
Ở khu dân cư, có những hộ không đói khổ nhưng lại bủn xỉn đến mức không đóng tiền thu gom rác 25.000đồng/tháng. Hàng ngày họ đi xe máy ăn mặc lịch sự, mang theo bọc rác, rồi khi đang chạy xe thản nhiên đẩy bọc rác xuống đường. Không chỉ ở đô thị, ở vùng nông thôn cũng thường thấy những bao tải rác và cả xác súc vật nổi lềnh bềnh trên kênh rạch, hoặc xả đầy trên các đường giao thông nông thôn. Trớ trêu nhất là tại những nơi có biển cấm đổ rác (ghi rõ điều khoản luật, số tiền phạt nặng hẳn hoi) nhưng ngay phía dưới vẫn là… đống rác lớn.
Có vô số trường hợp vi phạm vệ sinh chung và môi trường đô thị như vậy, nhưng rất hiếm trường hợp người vi phạm bị cơ quan chức năng xử phạt. Lý giải về nguyên nhân vì sao luật đã quy định rõ nhưng người vi phạm vẫn không bị chế tài, thì chúng ta cũng biết rất rõ: làm sao cơ quan chức năng có đủ nhân sự để tuần tra, canh gác, phát hiện, lập biên bản và xử phạt kịp thời hành vi vi phạm. Không thể triệt để xử lý hành vi vi phạm bằng biện pháp hành chính, chính quyền các địa phương phải huy động đoàn viên, thanh niên ra quân quét đường, vét kênh rạch, dọn bãi rác tự phát, gỡ và xóa các quảng cáo nhếch nhác. Trong khi đó, các cư dân có tâm lý ỷ lại, xem việc giữ vệ sinh chung, bảo vệ môi trường đô thị là của chính quyền, không phải là việc của mình.
Trong việc xử phạt hành chính các trường hợp xả rác bừa bãi và việc tổ chức tuyên truyền vận động giữ gìn vệ sinh chung, cần có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của các sở, ngành chức năng liên quan với chính quyền địa phương. Trong đó ngành tài nguyên môi trường phải giữ vai trò chủ động, tích cực. Cần có quy định, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, để việc thực thi xử phạt thuận tiện, mạnh tay và không lạm quyền.
NGUYỄN MINH ÚT (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)