Ngay sau phát biểu khai mạc phiên họp thứ 37 của Chủ tịch Quốc hội, sáng 12-9, UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Quy định về quản lý hóa chất chủ yếu tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hóa chất, trong khi đó, các quy định đối với hoạt động sử dụng hóa chất chưa đảm bảo được hiệu lực quản lý, các quy định về vận chuyển, thải bỏ hóa chất còn chung chung và chưa được quan tâm, dẫn đến những lỗ hổng quản lý trong chu trình vòng đời của hóa chất.
“Nhiều sản phẩm tiêu dùng chứa hóa chất nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người dân hoặc có thể ảnh hưởng lâu dài đến môi trường khi thải bỏ, tuy nhiên luật hiện hành chưa có quy định điều chỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về quản lý hóa chất đôi khi còn chưa nghiêm. Nhiều hóa chất nguy hiểm bị sử dụng sai mục đích gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Nhiều đơn vị xem nhẹ các quy định về an toàn hóa chất, không thực hiện hoặc thực hiện đối phó, hình thức, chưa đảm bảo công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất. Giữa các cơ quan quản lý còn thiếu cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về công tác quản lý hóa chất.
Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Công thương, dự thảo Luật Hóa chất sửa đổi gồm 89 điều và được bố cục thành 10 chương.
Trong đó, liên quan đến hoạt động quản lý hoạt động hóa chất, dự thảo luật dành 30 điều, quy định từ khâu sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tồn trữ cho đến sử dụng hóa chất. Nhằm kịp thời nắm bắt các hóa chất nguy hiểm mới được đưa vào Việt Nam, dự thảo quy định tất cả các hóa chất khi nhập khẩu phải được khai báo. Số liệu khai báo sẽ được đồng bộ vào Cơ sở dữ liệu hóa chất và cung cấp trực tiếp cho các bộ quản lý chuyên ngành.
“Danh mục hóa chất có điều kiện, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt đều do Chính phủ ban hành. Đặc biệt, việc mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất lưu thông trên thị trường. Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cần kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm công bố loại hóa chất và mục đích sử dụng trên cơ sở dữ liệu hóa chất trước khi sử dụng lần đầu hoặc khi thay đổi mục đích sử dụng”, Bộ trưởng Diên nêu rõ.
Phát biểu về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị không nên “nghị định hóa, thông tư hóa luật”. Ông nói: “Việc áp dụng pháp luật có thể tóm tắt rất gọn, hoặc lược bỏ đi hết được. Đây là nhược điểm không chỉ của dự thảo luật này mà khá nhiều luật khác nữa; không nên quy định quá cụ thể, dẫn đến thường xuyên phải sửa đổi luật”.
Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng tình: "Chúng ta không chỉ tránh luật khung, luật ống, nhưng quy định cụ thể quá, lấn sang việc của Chính phủ thì lại phải sửa đổi luật rất sớm".
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải băn khoăn: “Có những chất cần sử dụng trong lĩnh vực này, nhưng lại độc hại ở khía cạnh khác. Chẳng hạn như chất sabutamol, có tác dụng chữa bệnh, nhưng là chất cấm dùng trong chăn nuôi. Cần chú trọng điểm này”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị rà soát, đảm bảo sự thống nhất giữa quy định của luật này về các ngành nghề kinh doanh liên quan đến hóa chất (trong diện cần kiểm soát) với Luật Đầu tư; Luật Quản lý ngoại thương… “Kể cả nếu cần thiết thì phải điều chỉnh cả Luật Đầu tư, Luật Quản lý ngoại thương để đảm bảo quản lý chặt chẽ nhưng không vướng mắc trong triển khai thực hiện, đảm bảo tuổi thọ lâu dài cho Luật”, ông Vũ Hồng Thanh góp ý.