Theo một số chủ thầu, kỹ sư xây dựng, so với QCVN 06:2020/BXD, Quy chuẩn 06:2021 đã bổ sung nhiều điểm mới, sát thực tiễn, giúp cho các đơn vị xây dựng, chủ đầu tư đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình xây dựng, sử dụng công trình. Điển hình như làm rõ hơn cách tính chiều cao PCCC của nhà, sửa đổi một số quy định sử dụng tiêu chí chiều cao nhà thành tiêu chí chiều cao PCCC, làm rõ khái niệm “hành lang bên”, cách xác định nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng chính…
Đáng chú ý, Quy chuẩn 06:2021 đã bổ sung “khối nhà điều trị nội trú của cơ sở phòng chống dịch bệnh, phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà hộ sinh” vào danh mục nhà để ở thường xuyên hoặc tạm thời. Kéo theo đó, các khối nhà này không được phép bố trí trong các tầng hầm và tầng nửa hầm; các tầng có tối thiểu 2 lối thoát nạn; chiều cao thoát nạn tối thiểu 1,9m; chiều rộng tối thiểu 1,2m... giúp cho việc thoát hiểm khi xảy ra đám cháy của những người trong nhà dễ dàng hơn.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an TPHCM, Quy chuẩn 06:2021 còn đưa các chung cư (có chiều cao PCCC từ 75-150m) vào Điều A.3, Phụ lục A quy định bổ sung về an toàn cháy đối với một số nhóm nhà cụ thể. Theo đó, các chung cư (hoặc công trình có cùng công năng) phải tuân theo các tiêu chuẩn chi tiết về bậc chịu lửa, cửa ngăn cháy, lắp đặt các dây điện và cáp…
Như bậc chịu lửa tối thiểu là bậc I; tất cả các phòng không phải căn hộ (garage, phòng kỹ thuật, không gian công cộng, khoang chứa rác…) và ống đổ rác phải có đầu phun nước tự động (trừ các gian phòng yêu cầu hệ thống dập lửa dạng khí)… Từ đó, tăng mật độ phủ các phương tiện chữa cháy tự động, sớm dập tắt đám cháy khi vừa phát sinh.