Điều này xuất phát từ những câu chuyện “động trời”, gây bất bình dư luận như: đốt than tre làm thuốc trị ung thư, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, cô giáo phạt học sinh bằng cách cho học sinh tát bạn hàng trăm cái, hiệu trưởng lạm dụng tình dục học sinh…
Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn trên có nhiều, nhưng cốt yếu nhất là sự xuống cấp về đạo đức, sự buông lỏng kỷ cương phép nước. Nhiều ý kiến cũng nhận định, phát triển kinh tế chưa song hành văn hóa, bởi kinh tế có phát triển đến đâu nhưng nếu không quan tâm đến văn hóa thì việc phát triển kinh tế là vô nghĩa.
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2019 mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa và có biện pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa đối với việc xây dựng và phát triển có hiệu quả văn hóa, xã hội, xây dựng con người theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết của Trung ương về lĩnh vực này.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”; “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; văn hóa có mạnh, xã hội có ổn định, phát triển hài hòa, con người có phát triển toàn diện thì đất nước mới phát triển nhanh và bền vững được; phải thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, năm 2018, kinh tế - xã hội dù đạt nhiều kỷ lục và toàn diện, bộ mặt đất nước không ngừng đổi mới và phát triển, đời sống người dân không ngừng cải thiện nhưng vẫn còn đó những tồn tại, bất cập của kinh tế - xã hội như: tình trạng quan liêu, xa dân, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, nhất là tham nhũng vặt…
Thủ tướng khẳng định, phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải “kinh tế “trừ” xã hội”. Chính phủ và Thủ tướng luôn khẳng định, chúng ta sẽ không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả hai, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ luôn kiên trì nguyên tắc “3 trong 1” hay nói cách khác, 3 trụ cột bao gồm: kinh tế - xã hội và môi trường.
Điều đó có nghĩa, mọi giải pháp, chính sách đều phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, song hành kinh tế và xã hội, không được coi trọng tăng trưởng mà coi nhẹ vấn đề xã hội, con người. Làm sao để tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, ô nhiễm môi trường, khiếu kiện đông người... không còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn. Muốn thế, phải làm tốt việc chống tư tưởng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ; kiên quyết chống tham nhũng, tư lợi; vấn nạn lựa chọn người nhà, người thân, lợi ích cục bộ; nâng cao đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp của cán bộ công chức, viên chức; giải quyết triệt để nhằm tiến tới không còn những vụ khiếu kiện đông người, kéo dài; thu hồi ở mức cao nhất tài sản của nhà nước, của nhân dân…
Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, trước mắt là hình thành, củng cố hành vi ứng xử có văn hóa giữa người và người; tạo phong trào trong toàn xã hội về tình thương yêu đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong việc xây dựng văn hóa, phát triển xã hội, chăm lo xây dựng con người, cần hết sức chú ý việc giữ gìn và phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, nhân cách con người Việt Nam; xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, hạnh phúc; phát triển xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…