Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, hiện nay, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đang tích cực nâng cao năng lực kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đối với tuyến địa phương thông qua cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, từng bước đầu tư trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ.
Hội nghị lần này là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu trong nước được tiếp cận với phương thức quản lý thực phẩm hiệu quả và phổ biến hiện nay trên thế giới là quản lý dựa trên nguy cơ. Đồng thời giúp chúng ta triển khai các kỹ thuật kiểm nghiệm tiên tiến, xây dựng các phương pháp thử khó và mang tính chất phức tạp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Từ đó, dần giải quyết được tính phức tạp của mẫu thực phẩm ngày càng đa dạng hơn đang lưu thông trên thị trường.
Trong khi đó, PGS-TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, khoa học kiểm nghiệm thực phẩm là một chuyên ngành đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ, hiệu quả từ nguồn nhân lực chuyên môn sâu đến xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Những năm gần đây, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam được chú trọng đầu tư, nhờ đó đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của ngành kiểm nghiệm thực phẩm.
Tuy nhiên, từ tình hình thực tế các sự cố an toàn thực phẩm gần đây cho thấy vẫn còn những mối nguy cơ hiện diện trong các sản phẩm thực phẩm tiêu thụ hàng ngày. Do đó, cùng với việc đầu tư phát triển về các kỹ thuật kiểm nghiệm hiện đại, chuyên sâu, các phòng kiểm nghiệm cần chú trọng đẩy mạnh hoạt động đánh giá nguy cơ nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học hỗ trợ công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Theo TS Nguyễn Thị Phúc, nhóm An ninh Y tế và các tình trạng Y tế Công cộng khẩn cấp, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, hiện nay, gánh nặng bệnh tật do thực phẩm gây ra là rất lớn. Ước tính trên thế giới cứ 10 người thì có 1 người bị bệnh liên quan đến thực phẩm. Các bệnh lây truyền qua thực phẩm có thể gây tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi. Ước tính mỗi năm, các bệnh này gây ra 420.000 ca tử vong trên toàn cầu, trong đó hơn 30% trong số này là trẻ em.