Chú trọng giáo dục thẩm mỹ trong đào tạo

Đó là vấn đề được Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và đại diện các trường đại học bàn luận tại toạ đàm "Giáo dục thẩm mỹ trong hệ thống giáo dục đại học - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" diễn ra ngày 10-4 tại TPHCM.

Các diễn giả, khách mời phát biểu tại tọa đàm
Các diễn giả, khách mời phát biểu tại tọa đàm

TS Đào Lê Na, Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), cho biết việc giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên chủ yếu được thực hiện qua môn Mỹ học đại cương. Bên cạnh đó, các khoa còn mở thêm môn Đại cương nghệ thuật học ở các học kỳ chuyên ngành. Sinh viên thể hiện sự thay đổi rõ rệt về tư duy, cởi mở trong cách nhìn nhận về cái đẹp.

Tuy nhiên, TS Đào Lê Na cũng bày tỏ sự lo lắng về công tác giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên đang gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn học về mỹ học và nghệ thuật rất ít. Cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục thẩm mỹ, giáo dục nghệ thuật vẫn còn thiếu. Ngoài ra, kinh phí để thực hiện các dự án nghệ thuật trong chương trình giáo dục thẩm mỹ cũng là một hạn chế lớn.

PGS.TS Bùi Thanh Truyền, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết công tác giáo dục, đào tạo của trường luôn đề cao nội dung giáo dục thẩm mỹ, nhằm xây dựng, hoàn thiện các phẩm chất đạo đức tốt đẹp của sinh viên. Qua đó, góp phần phát triển nguồn nhân lực toàn diện, công dân toàn cầu.

Để đưa giáo dục thẩm mỹ đến gần sinh viên, Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã tích hợp giáo dục thẩm mỹ - nhân văn trong từng học phần. "Đây là cơ sở hiện thực hóa mục tiêu đào tạo người học hiểu sâu về kiến thức chuyên môn trên cơ sở kiến thức nền gắn với tính dân tộc, tinh thần dân tộc, bản sắc dân tộc, có khả năng vận dụng kiến thức liên ngành... Gắn đào tạo, nghiên cứu ở đại học với thực tiễn dạy học ở trường phổ thông, với đời sống văn hóa, văn học cả nước và khu vực Nam bộ. Hướng nghiên cứu văn học truyền thống, văn học hiện đại từ góc độ thẩm mỹ được chú trọng ở cả người dạy và người học", PGS.TS Bùi Thanh Truyền thông tin thêm.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc giáo dục thẩm mỹ, TS Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, cho biết từ khi Đảng ra đời, văn hoá, văn học nghệ thuật được xác định là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển đất nước. Ngoài ra, giáo dục thẩm mỹ còn có vai trò giúp cung cấp nguồn nhân lực quan trọng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. "Quá trình công nghiệp hoá không thể phát triển vững chắc nếu thiếu một đội ngũ nhân lực không chỉ tinh thông về nghề nghiệp mà còn phải có nền tảng tư tưởng và nền tảng văn hoá vững vàng, có thị hiếu thẩm mỹ tinh tế, hiện đại và lành mạnh. Giáo dục thẩm mỹ còn giúp khắc phục thói vô cảm của giới trẻ", TS Bùi Thế Đức chia sẻ.

IMG_6433.jpg
TS Bùi Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: KIM HUYỀN

Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục thẩm mỹ thông qua mạng xã hội cũng được các diễn giả chú trọng bàn luận. Theo các diễn giả, thay vì bài trừ mạng xã hội thì người làm công tác giáo dục có thể tận dụng các đặc tính của mạng xã hội như tính tương tác nhanh, rộng, nhiều và xuyên suốt, tính bình đẳng và tính cá biệt hóa thông tin để giúp định hướng thẩm mỹ đúng đắn cho học sinh, viên sinh.

Tin cùng chuyên mục