Theo ĐB, dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa các quan điểm, chủ trương lớn và các giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 36 ngày 22-10-2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ theo hướng hiện đại, dự thảo Luật cần nêu rõ nguyên tắc ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển, bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển; giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển.
Quang cảnh hội trường Diên Hồng chiều 28-11. Ảnh: VIẾT CHUNG |
“Một trong những giải pháp quan trọng là hoàn thiện tổ chức các lực lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường khả năng hiệp đồng tác chiến của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng, hợp pháp của đất nước”, ĐB Tạ Đình Thi nêu rõ.
Xây dựng lực lượng công an khu vực ven biển đảo, các khu đô thị, kinh tế, khu công nghiệp ven biển vững mạnh, làm nòng cốt, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các vùng biển đảo cũng là đề xuất từ ĐB Tạ Đình Thi.
Trong khi đó, ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) và một số ĐB khác đề nghị làm rõ khái niệm “công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh”. ĐB lưu ý, tại điều 4 dự thảo Luật có quy định về nguyên tắc gắn kết chặt chẽ và tận dụng tối đa năng lực của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh, tránh đầu tư trùng lặp, những gì công nghiệp quốc phòng làm được thì công nghiệp an ninh không đầu tư và ngược lại.
“Quy định này thể hiện chủ trương đúng đắn của việc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh, nhằm bảo đảm hiệu quả, tránh trùng lặp, dàn trải trong đầu tư và lãng phí nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trong dự thảo cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu, bởi để thực hiện được nội dung này cũng cần phải làm rõ về khái niệm như thế nào là công nghiệp quốc phòng và như thế nào là công nghiệp an ninh”, ĐB Trần Thị Hoa Ry nói.
ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu). Ảnh: VIẾT CHUNG |
Vẫn theo ĐB Trần Thị Hoa Ry, ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định tổ chức cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo nhiệm vụ do cấp thẩm quyền phê duyệt được hưởng chính sách miễn trách nhiệm dân sự theo quy định của Luật Khoa học công nghệ. “Điều 601 của Bộ Luật Dân sự, khi đề cập đến vấn đề bồi thường thiệt hại do nguy hiểm cao gây ra cũng chưa quy định rõ nội dung này”, nữ ĐB bày tỏ băn khoăn.
Một nội dung đáng lưu ý khác được ĐB đề cập liên quan đến “tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao”. Theo ĐB, cần quy định ngay trong dự thảo luật này về sự liên kết giữa các doanh nghiệp quốc phòng, nhất là tập đoàn quốc phòng. Tổ hợp công nghiệp quốc phòng là hạt nhân nòng cốt thu hút sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp trong nghiên cứu về sản xuất vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự.