Khi lượng máy bay quốc tịch Việt Nam đang ngày một nhiều lên, lượng phi công đào tạo mới lại không theo kịp để phục vụ sức tăng trưởng nóng của thị trường hàng không Việt Nam, thì việc tuyển dụng phi công trở thành cuộc cạnh tranh quyết liệt. Trong tương lai gần, phi công vẫn sẽ là “của hiếm” khiến các hãng bay tranh giành khi các hãng tuyên bố mua hàng chục, thậm chí hàng trăm máy bay mới, nhưng không tiết lộ nguồn phi công sẽ điều khiển lượng máy bay này.
Để giảm áp lực cạnh tranh tuyển dụng phi công, các hãng hàng không thường tìm đến nguồn phi công nước ngoài. Cục Hàng không Việt Nam vừa thông tin về việc rà soát phi công nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, tổng số phi công nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 1.223. Trong đó, Vietnam Airlines có 309 phi công (chiếm 25,7% trong tổng số 1.203 phi công của hãng); Jetstar Pacific có 145 phi công (chiếm 70,3% trong tổng số 206 phi công của hãng). Vietjet có 622 phi công (chiếm 75,6% trên tổng số 823 phi công của hãng); Bamboo Airways có 147 phi công (chiếm 58,6% trên tổng số 251 phi công của hãng).
Những năm gần đây, đã xảy ra không ít những sự cố đe dọa an toàn hàng không trên các chuyến bay do các phi công quốc tịch nước ngoài trực tiếp điều khiển. Mới đây nhất, ngày 14-6-2020, chuyến bay của Hãng hàng không VietJet Air do một tổ phi công nước ngoài điều khiển, khởi hành từ Phú Quốc khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã trượt ra khỏi đường băng. Sự cố khiến sân bay Tân Sơn Nhất phải dừng hoạt động hơn 6 giờ, làm hàng trăm chuyến bay đi và đến sân bay này bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước việc các hãng hàng không Việt Nam đang sử dụng tỷ lệ phi công nước ngoài cao, với 50 quốc tịch, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, đánh giá: “Việc này có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hóa”. Công bằng mà nói, với các phi công nước ngoài được huấn luyện bài bản, nghiêm túc tại các trường đào tạo uy tín trên thế giới, thì đây là nguồn nhân lực chất lượng cao rất cần thiết cho sự phát triển của hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, cũng đáng lo ngại bởi có những phi công nước ngoài có chất lượng chưa cao, bằng cấp chứng chỉ mập mờ, thiếu minh bạch.
Vào năm 2011 từng xảy ra trường hợp phi công nước ngoài có 3 bằng lái do Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia cấp đều là bằng thật, nhưng khai man giờ bay (kinh nghiệm) trên máy bay A320 khi gia nhập một hãng hàng không tại Việt Nam. Vụ việc chỉ được phát hiện khi phi công này hạ cánh hụt. Sau sự cố đó, hãng hàng không này đã phạt công ty môi giới phi công và sa thải phi công trên. Vừa qua, ngay sau khi Pakistan công bố tình trạng đang có không ít phi công tại Pakistan dùng bằng giả, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát, tạm dừng nhiệm vụ bay đối với các phi công quốc tịch Pakistan đang làm việc cho các hãng hàng không của Việt Nam để kiểm tra tính xác thực của bằng cấp, chứng chỉ; đồng thời, rà soát, xác minh tính xác thực đối với bằng cấp, chứng chỉ của tất cả các phi công người nước ngoài đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam, tiến hành xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả mạo.
Việc rà soát, thẩm tra lại bằng cấp, chất lượng của các phi công nước ngoài hành nghề cho các hãng hàng không tại Việt Nam là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay. Cùng với đó, cần có chế độ đãi ngộ tương xứng, bình đẳng hơn với các phi công Việt Nam, bởi cho đến nay, mặc dù cùng một công việc, một trách nhiệm, nhưng các phi công Việt Nam vẫn chỉ nhận mức thu nhập bằng 70% so với phi công nước ngoài.