Mặc dù là phiên tòa diễn ra công khai, phóng viên Báo SGGP đã trình thẻ nhà báo đề nghị được tác nghiệp nhưng thẩm phán Nguyễn Văn Thạch (TAND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã cản trở phóng viên tác nghiệp, không cho viết tin, bài với tư cách là phóng viên và đuổi thẳng phóng viên ra khỏi phòng làm việc.
Sáng 9-1, TAND huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) đã mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm bị cáo Đặng Mậu Thơm (SN 1977, ngụ xã Chí Công, huyện Tuy Phong) về tội "Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai".
Khoảng 7 giờ 30 phút sáng cùng ngày, PV Báo SGGP đã có mặt tại TAND huyện Tuy Phong, xuất trình thẻ nhà báo cho ông Trần Việt Quốc (thư ký phiên tòa) để xin được tác nghiệp.
Tại đây, thẩm phán Nguyễn Văn Thạch (chủ tọa phiên tòa) đã từ chối, không cho PV tác nghiệp mà không có lý do cụ thể.
Không chấp nhận sự việc, PV tiếp tục quay lại phòng xử án gặp thư ký phiên tòa Trần Việt Quốc, xuất trình thẻ nhà báo và đề nghị được tác nghiệp theo đúng luật định.
Ngay sau đó, thư ký phiên tòa dẫn PV qua phòng làm việc của thẩm phán Thạch để xin ý kiến. Tại đây, PV tiếp tục xuất trình thẻ nhà báo và đặt câu hỏi: "Phiên tòa diễn ra công khai, PV có đầy đủ giấy tờ thì có quyền dự, tác nghiệp bình thường chứ, thưa ông?".
"Em không được lấy tin với tư cách là phóng viên. Rõ chưa!", thẩm phán Thạch nói như ra lệnh.
PV tiếp tục hỏi: "Tại sao? Xin ông cho biết lý do?"
"Không cần giải thích cho anh, tôi đã nói rồi tôi không cần giải thích. Anh đi ra ngoài!", thẩm phán Thạch thẳng thừng đuổi phóng viên ra khỏi phòng làm việc.
Liên quan đến vụ án nói trên, theo cáo trạng của Viện KSND huyện Tuy Phong, bị cáo Đặng Mậu Thơm đã 2 lần chiếm đất công, xây công trình trái phép với tổng diện tích hơn 10,3 ha tại khu vực Hoàng Lan, xã Hòa Minh (huyện Tuy Phong). Sau khi phát hiện, UBND xã Hòa Minh lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt ông Thơm số tiền 2 triệu đồng, nhưng ông này không chấp hành.
Ngày 27-2-2019, UBND xã Hòa Minh lập biên bản vi phạm hành chính lần 2 đối với ông Thơm và chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Tuy Phong để xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, ông Thơm cho rằng, vị trí đất nói trên do ông mua lại của 6 hộ dân bằng giấy tay. Diện tích đất này ông xây dựng nhà và chòi tạm để có chỗ che nắng, mưa khi đi chăn cừu chứ không sử dụng vào mục đích khác nhằm trục lợi bất chính. Do vậy, ông Thơm cho rằng mình không lấn chiếm đất công, bị truy tố oan.
Cùng với đó, tại phiên tòa, 5/6 hộ dân có mặt khẳng định có bán đất bằng giấy tay cho ông Thơm, chứ không phải ông Thơm lấn chiếm. Theo lời khai của 5 nhân chứng tại tòa, nguồn gốc số đất của họ là do khai hoang, cha mẹ để lại, do nắng hạn không trồng trọt được nên bán lại cho ông Thơm.
Ngoài ra, trong phần tranh luận tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Thơm là ông Nguyễn Tri Đức (Công ty TNHH MTV 360, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM) đã đưa ra bằng chứng quan trọng, chứng minh ông Thơm không phạm tội. Bằng chứng này không có trong hồ sơ của vụ án.
Trước tình hình này, HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên tòa để tiếp tục củng cố hồ sơ.
NGUYỄN TIẾN