PGS-TS Lê Hiếu Giang, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường, lý giải: “Trường xây dựng hồ sơ mở ngành từ năm 2020, kéo dài đến năm 2021 và làm theo Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2017. Đến ngày 10-5-2022, người tiền nhiệm của tôi ký quyết định mở ngành và tuyển sinh khóa đầu tiên năm 2022. Sau khi thí sinh đăng ký, trường công bố điểm trúng tuyển thì ngày 21-7, Bộ GD-ĐT hậu kiểm các điều kiện mở ngành và phát hiện trường thiếu nhiều điều kiện để mở ngành. Trên cơ sở đó, nhà trường quyết định dừng tuyển sinh và gửi thông báo đến thí sinh để các em kịp thời điều chỉnh nguyện vọng sang ngành khác hoặc trường khác”.
Thông tư 22 quy định các ngành nói chung (không phải là các ngành đặc thù) phải có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo. Trong đó, có ít nhất 1 tiến sĩ và 4 thạc sĩ, hoặc 2 tiến sĩ và 2 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã mở ngành Luật theo Thông tư 22. Tuy nhiên, khi trường ký quyết định mở ngành (ngày 10-5-2022) thì các quy định đã thay đổi và áp dụng theo Thông tư 02/2022 của Bộ GD-ĐT (có hiệu lực từ tháng 3-2022). Thông tư 02 yêu cầu phải có ít nhất 1 tiến sĩ ngành, 5 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn. Điều đáng nói, thời điểm ký quyết định mở ngành và tuyển sinh ngành Luật, nhà trường hết thời hạn kiểm định, hội đồng trường không có… Đây là những điều kiện tiên quyết để một trường đại học tự chủ được mở ngành. Không chỉ thiếu 2 điều kiện quan trọng này, mà khi Bộ GD-ĐT hậu kiểm điều kiện mở ngành thì còn lộ ra việc nhà trường thiếu tiến sĩ để mở ngành theo Thông tư 02.
Có thể nói, một trường đại học có bề dày về lịch sử với 60 năm hình thành và phát triển, được tự chủ từ năm 2017 nhưng thực hiện mở ngành mới không tuân thủ quy định mới của Bộ GD-ĐT, thiếu những điều kiện cơ bản để tuyển sinh, đào tạo là điều rất khó chấp nhận. Điều này đã không chỉ làm mất uy tín của nhà trường mà còn ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay.
Nhìn một cách bao quát, ngoài lỗi của nhà trường thì cơ quan quản lý (Bộ GD-ĐT) cũng có phần chậm trễ trong công tác hậu kiểm việc mở ngành của các trường tự chủ. Nên chăng, Bộ GD-ĐT tập trung hơn cho công tác thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ở các trường, tăng hình thức xử phạt các trường vi phạm. Có như vậy mới có thể tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra như việc mở ngành Luật ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.