PV: Chúc mừng bà vừa được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch CAFD. Bà có thể chia sẻ về hiệp hội, về thời trang khu vực ASEAN phát triển ra sao?
Chủ tịch VIFW và CAFD Lê Quỳnh Trang: CAFD là tổ chức phi lợi nhuận với mục đích tạo sự hợp tác trong lĩnh vực thời trang giữa 10 thành viên các quốc gia trong khu vực ASEAN tạo thành khối thống nhất, thúc đẩy ngành thời trang khu vực lên những tầm cao mới. Đây cũng là hiệp hội thời trang đầu tiên được Ban Thư ký ASEAN chính thức thành lập với mục tiêu quảng bá tên tuổi và hỗ trợ các nhà thiết kế (NTK) khu vực phát triển thương hiệu, phương thức kinh doanh, giúp cho thời trang ASEAN có những bước tăng trưởng trong thời kỳ mới.
ASEAN đang trở thành thị trường thời trang nhiều tiềm năng phát triển. Các NTK trong khu vực có năng lực sáng tạo rất dồi dào. Hy vọng CAFD có thể đưa thời trang ASEAN lên những bước phát triển mới cao và mạnh mẽ hơn để có thể sánh vai với các khu vực có nền thời trang phát triển.
Bà dự định sẽ có những hoạt động gì trên cương vị mới?
Việc đầu tiên khi tôi tiếp nhận cương vị mới là tập trung tìm kiếm, lựa chọn những nhân sự chủ chốt tại mỗi quốc gia Đông Nam Á. Họ là cầu nối để giúp tìm ra những NTK thực sự nổi bật của mỗi quốc gia để đề cử tham gia vào hiệp hội. Các NTK này sẽ thiết kế những bộ sưu tập nhỏ (mini collection) và CAFD sẽ có những hoạt động hỗ trợ, quảng bá (chụp hình, quay video) những sản phẩm này và quảng bá ứng dụng mới AFAB (Asean Fabulous). Đây là ứng dụng không chỉ giúp quảng bá tên tuổi của các NTK tài năng mà còn giúp quảng bá, đưa sản phẩm của họ tiếp cận hàng triệu khách hàng trong khu vực và trên toàn cầu. Điều đặc biệt là các NTK không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào để trở thành thành viên của CAFD. Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên thực hiện bộ sưu tập quảng bá trên ứng dụng AFAB. Tôi tin rằng những thiết kế của các NTK Việt sẽ được thế giới đón nhận.
Theo bà, thời trang Việt đang ở đâu trên bản đồ thời trang khu vực và thế giới?
Có thể nói, trước khi VIFW được tổ chức vào năm 2014 thì thời trang Việt Nam hầu như chưa được khu vực, thế giới để mắt tới. Tôi rất vui mừng vì sau 10 mùa tổ chức VIFW, chúng ta đã từng bước đưa tên Việt Nam lên bản đồ thời trang thế giới và được quốc tế đánh giá cao. Chúng ta có nhiều lợi thế so với các nước trong khu vực - một thị trường với lượng dân số lớn. Đây là lợi thế cạnh tranh, là thị trường tiềm năng không chỉ cho riêng ngành thời trang mà cho tất cả các lĩnh vực kinh tế khác. Ngoài ra, chúng ta cũng có sẵn cơ sở hạ tầng, nhà máy sản xuất vì Việt Nam đang là một trong những nước gia công sản phẩm may mặc cho rất nhiều thương hiệu lớn của thế giới. Đội ngũ lao động của Việt Nam cũng vô cùng dồi dào và có sức trẻ. Thị hiếu của người Việt cũng đang dần thay đổi và chúng ta dễ thích nghi, đón nhận những yếu tố mới. Với tất cả những thuận lợi này, thời trang Việt Nam đang có vị thế mới và quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Các NTK Việt có những lợi thế và thách thức nào khi làm việc trong môi trường quốc tế?
NTK Việt Nam cũng được hưởng lợi rất nhiều từ những lợi thế mà ngành thời trang chúng ta hiện có. Bên cạnh đó, các NTK Việt Nam cũng có khả năng sáng tạo vô cùng lớn và đã được thế giới đánh giá cao, điển hình như Nguyễn Công Trí, Phương My. Những NTK này đã có nhiều bộ sưu tập được trình diễn tại các tuần lễ thời trang lớn trên thế giới và được truyền thông cũng như khách hàng quốc tế ca ngợi, đón nhận.
Tuy nhiên, một trong những bất lợi và rào cản lớn đối với các NTK Việt Nam khi “ra biển lớn”, chính là trình độ ngoại ngữ còn chưa tốt và khả năng tiếp cận với công nghệ mới chưa cao, môi trường đào tạo trong nước chưa tạo được tác phong làm việc khẩn trương, chuyên nghiệp. Chính vì thế, để có thể giúp các NTK Việt Nam bắt kịp với dòng chảy của thị trường thời trang thế giới thì cần có những tổ chức như CAFD đứng ra làm cầu nối, bệ phóng để tạo cơ hội cho các NTK Việt Nam được cọ xát, tiếp cận và học hỏi những tinh hoa của thời trang thế giới.
Theo sát ngành thời trang nhiều năm qua, theo bà, có những điểm sáng và còn điều gì hạn chế?
Diện mạo thời trang Việt Nam đã thay đổi tích cực trong những năm gần đây. VIFW đã trở thành cầu nối đưa thời trang Việt Nam ra thế giới. Rất nhiều NTK của Việt Nam đã gây ấn tượng tốt với khách hàng quốc tế, như Nguyễn Công Trí, Phương My, Thủy Nguyễn... Thời trang Việt đã từng bước được định hình và đang trên đà phát triển. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng đã bắt đầu có thói quen “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thay vì sử dụng những sản phẩm thời trang nhập khẩu từ Trung Quốc như trước đây. Nền kinh tế mở cửa và năng động cũng là yếu tố giúp thời trang Việt Nam ngày càng phát triển, với sự ra đời của hàng loạt các thương hiệu “made in Vietnam”, được công chúng đón nhận.
Tuy nhiên, thời trang Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Theo tôi đánh giá, hạn chế lớn nhất đó chính là thiếu sự đầu tư đúng mức từ phía nhà nước cho các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thời trang và thiết kế. Chúng ta có đầu tư khá tốt vào việc phát triển các cơ sở, nhà máy gia công cho nước ngoài, nhưng lại chưa chú trọng vào việc phát triển tiềm lực trong nước. Rất nhiều làng nghề, làng lụa hàng trăm năm tuổi không được đầu tư để chúng ta có thể phát huy được thế mạnh về nguồn nguyên vật liệu. Ngoài ra, mặc dù có đội ngũ thiết kế trẻ dồi dào, có sức sáng tạo lớn, nhưng lại chưa được đào tạo bài bản để có thể bắt kịp với thế giới. Chúng ta chưa có được sự xâu chuỗi, liên kết giữa các mắt xích quan trọng của ngành thời trang, từ nguồn nguyên liệu, nhà xưởng, gia công, thiết kế cho đến truyền thông, quảng bá thương hiệu. Vì thế, việc đưa được nhiều thương hiệu thời trang Việt ra thị trường thế giới sẽ còn là bài toán cần có thời gian để giải đáp.
Hiện nay, chúng tôi cũng đã và đang có những buổi họp với Bộ Công thương để xúc tiến việc thành lập Hiệp hội Thời trang Việt Nam, để có một tổ chức đại diện cho tất cả các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực thời trang tại Việt Nam. Tôi hy vọng rằng trong tương lai gần, Chính phủ sẽ có sự đầu tư và chú trọng hơn nữa để đưa thời trang Việt vươn tầm quốc tế.