Đây được xem là kênh thông tin tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân và tổ chức liên quan đến tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TPHCM. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, xung quanh nội dung này.
Bà Tô Thị Bích Châu
°PHÓNG VIÊN: Việc triển khai thí điểm hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức về công tác cải cách hành chính được thực hiện như thế nào và kết quả khảo sát bước đầu đạt được ra sao, thưa bà?
°Bà TÔ THỊ BÍCH CHÂU: Ủy ban MTTQ TPHCM đã phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Viện Nghiên cứu phát triển TP và các đơn vị có kinh nghiệm về đánh giá hiệu quả cải cách hành chính (thông qua các chỉ số PAPI, SIPAS, PCI) để xây dựng bộ câu hỏi của MTTQ theo đặc thù của TPHCM. Sau đó, triển khai các biểu mẫu câu hỏi đến từng người dân. Vừa qua chúng tôi đã làm thí điểm khảo sát, đánh giá tại Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Cách làm là chọn một số mẫu câu hỏi rồi gọi điện, hoặc trực tiếp đến gặp người dân và doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục hành chính, yêu cầu họ cho biết ý kiến có hài lòng với thủ tục đã làm hay không, bao gồm về thái độ của cán bộ, công chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính; về dịch vụ cung cấp và có phải trả thêm khoản phí nào ngoài mức phí theo quy định hay không. Kết quả nhận được của đợt khảo sát thí điểm trong số 300 người được hỏi là tương đối chính xác.
Cụ thể, sự hài lòng đạt được tỷ lệ bao nhiêu, thưa bà?
Trong số 300 người được hỏi, có đến 90% cho biết phải đi lại nhiều lần mới xong thủ tục cần làm. Tỷ lệ sự hài lòng tuy cũng khá cao, nhưng trong đó có nhiều người trả lời “có hài lòng nhưng chưa hài lòng lắm”. Đây là điều phải xem xét lại, quy trình thủ tục hành chính của chúng ta tuy có cải cách nhiều trong thời gian qua nhưng người dân vẫn chưa hài lòng.
Kết quả khảo sát mới ở diện hẹp, tới đây khi mở rộng đánh giá ở nhiều lĩnh vực và trên diện rộng, theo bà thì sẽ có khoảng cách so với đánh giá của từng cơ quan, đơn vị đã làm từ trước tới nay hay không?
Các phương thức khảo sát sẽ được tích hợp, phân tích, đánh giá cụ thể về sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính, cũng như sự tác động của các cơ chế, chính sách đặc thù theo thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội trên địa bàn TPHCM, thông qua hệ thống phần mềm được cập nhật thường xuyên. Qua đó, giúp Ủy ban MTTQ TPHCM kịp thời phản ánh, kiến nghị, đề xuất chính quyền TP các giải pháp nhằm phục vụ người dân và tổ chức ngày càng tốt hơn; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống MTTQ các cấp trong việc tham gia xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
(Nguồn: Ủy ban MTTQ TPHCM)
Đúng là có khoảng cách, khác biệt! Chính vì vậy chúng tôi mới thực hiện thí điểm qua từng đợt và vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đợt 2 tới đây cũng chỉ khảo sát đánh giá ở lĩnh vực xây dựng và cấp phép đầu tư. 5 đơn vị thực hiện thí điểm đợt này là: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, quận 1, quận 12 và huyện Hóc Môn. Qua đây, đánh giá được chính xác nhất tỷ lệ sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp ở mức nào, giúp cho các cấp chính quyền chấn chỉnh lại những điều chưa tốt gây phiền hà người dân, doanh nghiệp và cản trở sự phát triển chung. Đồng thời, cũng để người dân và doanh nghiệp thấy rõ hơn sự đồng hành của MTTQ với các cấp chính quyền trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Người dân đánh giá sự hài lòng qua hệ thống tại bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính UBND quận 1
Xin bà cho biết đến khi nào thì MTTQ triển khai rộng rãi hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực?
Kết quả của các đợt khảo sát thí điểm sẽ là cơ sở để Ủy ban MTTQ TPHCM triển khai toàn TP trên các lĩnh vực, nhất là về quy hoạch, cấp giấy chứng nhận nhà đất, tư pháp, hộ tịch… mà người dân rất quan tâm. Ở giai đoạn này, Ủy ban MTTQ TPHCM sẽ triển khai đến các tổ chức thành viên trong hệ thống MTTQ và mời gọi các tầng lớp nhân dân, các giới đồng bào TP cùng tham gia. Lúc đó sẽ huy động được trí tuệ, sức mạnh và tâm huyết của toàn xã hội tham gia xây dựng bộ máy hành chính nhà nước và chính quyền các cấp vững mạnh. Thông qua hoạt động này, MTTQ cũng phải thay đổi phương pháp, cách làm từ thực tế để khắc phục bệnh hành chính hóa, bệnh hình thức tồn tại lâu nay và chuyển đổi phương pháp phản biện xã hội từ định tính sang định lượng, không chung chung nữa.
Nhiều thủ tục người dân không hài lòng
Việc đo lường sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với chính quyền trong lĩnh vực cải cách hành chính, theo tôi, là một việc mới và khó, đòi hỏi sự ủng hộ, tham gia của đông đảo người dân. Do chất lượng phục vụ người dân trong bộ máy hành chính của chúng ta còn yếu, nhiều thủ tục hành chính thiếu công khai minh bạch, người dân còn phải đi lại quá nhiều. Người dân đòi hỏi bộ máy chính quyền cần có sự đột phá về cải cách hành chính. Để đánh giá sự hài lòng của người dân về cải cách hành chính, cần thống kê có bao nhiêu tỷ lệ hài lòng, bao nhiêu không hài lòng, lý do không hài lòng. Nếu được, nên thực hiện thí điểm trong lĩnh vực về xây dựng, nhà đất để có đánh giá thực chất hơn. Còn quá nhiều thủ tục nhiêu khê trong các lĩnh vực này mà người dân không hài lòng.
Về lâu dài, theo tôi, tất cả các thủ tục hành chính nên thực hiện qua mạng, từ các biểu mẫu, quy trình, thủ tục đến khâu tiếp nhận, xử lý. Các thủ tục này được kết nối từ cơ quan hành chính phường - xã đến quận - huyện và TP. Khi chúng ta có công nghệ hành chính công thì mới kiểm soát được từ dưới lên trên và mới có thể đo sự hài lòng một cách chính xác nhất. Cách làm theo kiểu tự đánh giá sự hài lòng qua số liệu mà các sở ngành TP đưa ra, theo tôi là chưa chính xác, chưa phản ánh đúng thực chất, cần thay đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM
Khảo sát phải đúng đối tượng
Theo tôi, phương pháp khảo sát muốn chính xác phải đi từ thực tế và có tính khoa học. Đối tượng khảo sát phải chọn là người trực tiếp đi làm các thủ tục giấy tờ, mới phản ánh chính xác được. Thực tế từ trước đến nay, người dân đi làm các thủ tục hành chính, nhất là về nhà đất, xây dựng, cấp phép thành lập doanh nghiệp, nếu không qua “cò” thì không thực hiện được. Do nhiều loại thủ tục biểu mẫu quá nhiều, người dân không biết cách điền và cũng không có ai hướng dẫn viết. Muốn làm được, thường phải nhờ qua “cò”, từ điền mẫu đơn, hoàn chỉnh hồ sơ, đến quan hệ để nộp hồ sơ giải quyết cho nhanh. Các lĩnh vực nào cũng có “cò” và các công ty “sân sau” của cán bộ, công chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính ở lĩnh vực phụ trách. Do vậy sẽ rất khó khi chúng ta khảo sát, đánh giá đúng đối tượng để có kết quả chính xác về sự hài lòng.
Ông HUỲNH THIÊN PHÚC, nguyên Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 3
Mở rộng các lĩnh vực khảo sát, đánh giá
Theo tôi, khi tiến hành khảo sát về chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức, cần thực hiện ở tất cả các lĩnh vực. Ví dụ về kinh tế, cần khảo sát thủ tục cấp phép thành lập doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, rồi thủ tục thanh quyết toán thuế… Đây là những lĩnh vực mà người dân còn kêu ca, phàn nàn nhiều lắm. Thực tế ai có đi làm các thủ tục này mới thấy rất khó khăn. Ngay như chủ trương của cả nước và TPHCM vận động người dân chuyển từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp, tới nay con số đạt được rất thấp, do có quá nhiều thủ tục rườm rà. Khi đã lên doanh nghiệp rồi, người dân rất sợ thủ tục về thanh quyết toán thuế, báo thuế, quản lý sổ sách… rất nhiêu khê. Chưa nói đến các khoản “tiêu cực phí”, ở đây không sao tính hết được. Các lĩnh vực khác như hộ tịch, khai sinh, khai tử… cũng nên khảo sát, đánh giá sự hài lòng để chấn chỉnh những tiêu cực, nhũng nhiễu mà người dân than phiền rất nhiều.
TS TRẦN VĂN THẬN, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM