Chủ tịch Ủy ban bầu cử TPHCM Nguyễn Thị Lệ: Tạo thuận lợi để tất cả cử tri đi bầu cử

Hôm nay (ngày 23-5), cử tri TPHCM cùng cử tri cả nước bước vào ngày hội của toàn dân – đi bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chọn ra người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Trước giờ “G” của ngày bầu cử, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, Chủ tịch Ủy ban bầu cử TPHCM, đã dành cho Báo SGGP cuộc trao đổi về hoạt động chính trị quan trọng này.
TPHCM đã sẵn sàng


 Phóng viên: Thưa đồng chí, TPHCM đã có sự chuẩn bị như thế nào giúp cho cử tri biết rõ về các ứng cử viên trước khi bước vào ngày hội lớn của toàn dân?

Đồng chí NGUYỄN THỊ LỆ: - Đến thời điểm này, TPHCM đã sẵn sàng cho ngày hội lớn của toàn dân – ngày 23-5. Để giúp cử tri biết rõ về các ứng cử viên, TPHCM đã tập trung tổ chức thật chu đáo hoạt động tiếp xúc cử tri.

Chủ tịch Ủy ban bầu cử TPHCM Nguyễn Thị Lệ: Tạo thuận lợi để tất cả cử tri đi bầu cử ảnh 1 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch HĐND TPHCM, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TPHCM Nguyễn Thị Lệ xem thông tin về bầu cử trên Báo SGGP. Ảnh: VIỆT DŨNG
Toàn TPHCM có 50 ứng cử viên ĐBQH, 158 ứng cử viên ĐB HĐND TPHCM, 67 ứng cử viên ĐB HĐND TP Thủ Đức, 284 ứng cử viên ĐB HĐND ở 5 huyện và 3.043 người ứng cử ĐB HĐND các xã, thị trấn. Trước khi tiếp xúc cử tri, danh sách, tóm tắt tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên đã được niêm yết rộng khắp tại hơn 3.000 điểm bỏ phiếu cùng nhiều khu vực có đông dân cư. Tiểu sử, chương trình hành động cũng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, báo chí và đặc biệt là gửi tới tận mỗi hộ gia đình, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu về các ứng cử viên một cách thuận tiện.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban Bầu cử TPHCM đã chỉ đạo TP Thủ Đức và 21 quận, huyện linh hoạt chuẩn bị phương án tổ chức hội nghị, vừa tiếp xúc cử tri trực tiếp vừa tổ chức trực tuyến để đảm bảo yêu cầu phòng chống, dịch. Song song đó, hơn 9.000 buổi mạn đàm tiểu sử ứng cử viên cũng được tổ chức ở tổ dân phố, tổ nhân dân, giúp cử tri hiểu rõ hơn về các ứng cử viên và từ đó quyết định lá phiếu của mình.

Cử tri có sự đánh giá ra sao đối với các ứng cử viên? Chương trình hành động mà các ứng cử viên trình bày liệu có đủ sức thuyết phục được cử tri?

- Về cơ bản, cử tri đánh giá chương trình hành động của các ứng cử viên đã đi thẳng vào các vấn đề sát sườn của thực tiễn đời sống. Cử tri cũng có nhiều góp ý sâu sắc cho chương trình hành động của người ứng cử, gửi gắm các tâm tư nguyện vọng với mong muốn xây dựng TPHCM nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục phát triển bền vững.

Về người ứng cử, cử tri nhận xét các ứng cử viên có đủ tiêu chuẩn để trở thành đại biểu của nhân dân. Có thể thấy, cử tri đã có sự đánh giá và cân nhắc kỹ lưỡng về ứng cử viên để chọn ra những người xứng đáng nhất trong những người xứng đáng đại diện cho mình.

Đảm bảo phòng chống Covid-19 khi bầu cử

TPHCM đang xây dựng đô thị thông minh, phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ. Vậy, TPHCM có ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin phục vụ bầu cử?

- Ủy ban bầu cử TPHCM đã xây dựng và triển khai phần mềm hỗ trợ công tác bầu cử. Đây là phần mềm dùng chung cho hơn 3.000 điểm bỏ phiếu trên địa bàn TPHCM, giúp cập nhật tiến độ bầu cử và tổng hợp nội dung kết quả bầu cử từ cơ sở. TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cũng đảm bảo đường truyền Metronet (Metropolitan Area Network - là dịch vụ của mạng đô thị băng rộng với đường truyền tốc độ siêu cao), và phân công cán bộ, công chức nhập thông tin dữ liệu bầu cử đáp ứng yêu cầu.

Ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều đơn vị, địa phương đã xây dựng trang thông tin điện tử giúp tra cứu danh sách cử tri, danh sách điểm bỏ phiếu, tra cứu đường đi đến điểm bỏ phiếu, danh sách ứng cử viên… Cử tri cũng có thể quét mã QR code là có thể nắm bắt đầy đủ các thông tin về bầu cử. Cử tri còn có thể liên hệ phản ánh đến tổ trưởng tổ bầu cử, nghe đọc thông tin bầu cử bằng phần mềm robot... trên chuyên trang về bầu cử mà quận 12 xây dựng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, TPHCM có phương án bỏ phiếu ra sao?

- TPHCM đã có phương án cho 4 tình huống: tổ chức bầu cử tại các khu vực, địa điểm bỏ phiếu; tổ chức bầu cử cho cử tri đang cách ly tại nhà; tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội, hoặc phong tỏa; tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hay xác định mắc Covid-19. 

Ủy ban bầu cử các cấp bố trí các điểm bỏ phiếu phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh, đảm bảo tất cả các công dân – kể cả người đang thực hiện cách ly, điều trị Covid-19 - được tham gia bầu cử theo quy định. Cán bộ của tổ bầu cử sẽ mang thùng phiếu lưu động đến tận nhà, tận khách sạn, tận bệnh viện - nơi cử tri đang cách ly, hoặc đang điều trị, giúp cử tri thuận tiện thực hiện quyền công dân. Các phường, xã, thị trấn cũng vận động người dân đi bỏ phiếu đúng thời gian, đúng lịch trình nhằm đảm bảo tại cùng một thời điểm trong ngày bầu cử không tập trung quá đông người ở phòng bỏ phiếu.

Dù dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng TPHCM đã có sự chuẩn bị chu đáo nhất để đảm bảo an toàn sức khỏe cho các ứng cử viên, cán bộ tham gia tổ chức bầu cử và toàn bộ cử tri. Do đó, quý cô bác anh chị cử tri có thể yên tâm thực hiện quyền bầu cử của mình trong ngày 23-5 này.

“Tôi mong đồng bào cử tri TPHCM đi bầu cử đầy đủ, dùng lá phiếu của mình để quyết định, lựa chọn những người xứng đáng, tiêu biểu nhất vào cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Rất mong cử tri thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong quá trình tham gia bầu cử”, Chủ tịch Ủy ban bầu cử TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhắn gửi.

Toàn TPHCM có khoảng 5,5 triệu cử tri. Thực hiện Chính quyền đô thị từ nhiệm kỳ 2021-2026, TPHCM không tổ chức HĐND quận, phường. Như vậy, cử tri ở 16 quận sẽ bầu cử 2 cấp: ĐBQH và ĐB HĐND TPHCM. Cử tri ở TP Thủ Đức bầu cử 3 cấp: ĐBQH, ĐB HĐND TPHCM và ĐB HĐND TP Thủ Đức. Cử tri ở 5 huyện sẽ bầu cử đủ 4 cấp: ĐBQH, ĐB HĐND TPHCM, ĐB HĐND huyện và ĐB HĐND xã, thị trấn.

Tin cùng chuyên mục