Chiều 9-9, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì phiên họp tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn TPHCM.
Điểm sáng về giải ngân vốn đầu tư công
Nhận xét tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2020, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và 40 ngày qua, đã không phát hiện trường hợp lây lan từ cộng đồng. Song song đó, TPHCM lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, triển khai các biện pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nói chung, kinh tế TPHCM đang có dấu hiệu phục hồi.
Công tác giải ngân vốn đầu tư công là một điểm sáng tích cực. Đến nay, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân đạt gần 21.300 tỷ đồng (đạt 50,5% tổng kế hoạch vốn TP đã giao). Số vốn giải ngân lớn gấp 2,3 lần, tỷ lệ giải ngân tăng gấp 1,9 lần so với cùng kỳ.
Tuy vậy, đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý các sở ngành, quận huyện “đừng thấy đã đạt mức cao hơn năm trước về quy mô giải ngân mà tự bằng lòng”. Bởi vì, trong điều kiện hiện nay bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, giải ngân vốn đầu tư công có nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy kích cầu kinh tế, góp phần tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Trong khi đó, việc giải ngân đầu tư công tại các quận, huyện vẫn tồn tại vướng mắc chung về giải phóng mặt bằng. Các quận huyện cũng đang chờ thẩm định giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất và sự chậm trễ của các dự án cũng có lý do một phần là Hội đồng thẩm định giá đất TPHCM cần thời gian kiện toàn như thời gian qua.
Đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu hai đơn vị này tập trung đẩy nhanh hơn tốc độ giải ngân bởi có số vốn các dự án rất lớn. “Các địa phương, đơn vị không được phép tự bằng lòng với chính mình. Đến tháng 10-2020, tỷ lệ giải ngân phải đạt hơn 80% và cuối năm 2020 phải đạt 95%”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Khánh thành hàng loạt công trình, dự án
Về những việc trọng tâm trong cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2020, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các sở ngành, quận huyện tập trung khởi công, đẩy mạnh tiến độ và khánh thành một số công trình, dự án chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.
Cụ thể, khánh thành hầm chui tại nút giao thông An Sương vào ngày 19-9; khởi công Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo vào ngày 30-9; khánh thành công trình nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký; khánh thành cầu thép An Phú Đông, quận 12; khánh thành công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ga Bến xe Miền Đông mới vào ngày 10-10; khánh thành khu khám bệnh tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM… Đồng thời, giao Sở KH-ĐT TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi đôn đốc các chủ đầu tư kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình.
Đồng chí cũng yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo các thủ tục để đưa đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ cập cảng, về đến TPHCM trước ngày 12-10.
Cùng với đó, Sở Du lịch báo cáo kế hoạch về Lễ hội áo dài và chương trình kích cầu du lịch nội địa; Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị tổ chức tổng kết 200 ngày thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp; Sở TT-TT TPHCM tổ chức lễ ra mắt hệ thống liên thông, hợp nhất các tổng đài 113-114-115 thành số gọi khẩn cấp…
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị Công an TP, Bộ Tư lệnh TP, UBND quận, huyện nắm chắc tình hình an ninh trật tự tại địa phương, đảm bảo an ninh trật tự trong dịp tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.
Kinh tế phục hồi
Trước đó, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2020, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt hơn 105.200 tỷ đồng (giảm 5% so với cùng kỳ, cùng kỳ tăng 10,5%); tính chung 8 tháng đạt gần 827.000 tỷ đồng (giảm 3,3%).
Trong bối cảnh chung khó khăn, điểm tích cực là tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt 28,4 tỷ USD (tăng 4%) với các mặt hàng chủ yếu là rau quả, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… Ở lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TPHCM 8 tháng đầu năm ước tăng 2%. 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 2,5%.
Trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử tiếp tục tăng khá (18%), và có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu nhờ có thị trường tiêu thụ, đơn hàng nhiều, ổn định. Ngành hóa chất – cao su – nhựa tăng 9%. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước tăng 1,5%. Riêng ngành cơ khí giảm 10,5%. Các doanh nghiệp cơ khí vẫn có đủ vật tư để sản xuất nhưng các đơn hàng đến cuối năm vẫn phải chờ đàm phán từ các đối tác nước ngoài vốn đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thị trường xuất khẩu chững lại nên hầu hết các phân ngành thuộc cơ khí đều giảm.
Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai đánh giá: “Như vậy, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, nhưng nhìn chung kinh tế TPHCM đang có chiều hướng phục hồi dần và khả năng tăng nhanh vào quý 4-2020. Sự tăng trưởng đáng khích lệ tại thời điểm này là nhờ sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng đồng lòng thực hiện nhiệm vụ kép – vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.
* Giám đốc Sở Tài chính TPHCM PHẠM THỊ HỒNG HÀ: Mỗi ngày, ngân sách TPHCM thu được 1.346 tỷ đồng Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phạm Thị Hồng Hà Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TPHCM ước đạt 220.800 tỷ đồng, chỉ đạt 54% dự toán. Mức thu trung bình mỗi ngày làm việc trong 8 tháng là 1.346 tỷ đồng, bằng 82% so với mức trung bình TPHCM phải thu mỗi ngày làm việc trong năm 2020. Về chi ngân sách, các sở ngành, quận huyện trên địa bàn TPHCM tiếp tục tiết kiệm chi để tập trung nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. TPHCM đã chi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (đợt 1) đạt 602 tỷ đồng, dư hơn 866 tỷ đồng so với kế hoạch và khoản tiền này sẽ để sẵn sàng thực hiện cho chi hỗ trợ đợt 2. Trong những tháng cuối năm 2020, TPHCM tiếp tục nuôi dưỡng nguồn thu và các cơ quan thuế, hải quan tập trung phối hợp với đơn vị liên quan triển khai mạnh mẽ các giải pháp thu hồi nợ đọng, tránh phát sinh thêm nợ đọng để tăng nguồn thu nộp về ngân sách TP. Cơ quan thuế phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung khai thác nguồn thu từ đất, nhất là các dự án đã có quyết định giao đất nhưng vướng thủ tục nên chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan, những trường hợp đã hết hợp đồng cho thuê nhưng chưa được ký lại. UBND các quận, huyện, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP sớm hoàn thành hồ sơ thủ tục để đưa ra đấu giá các mặt bằng nhà xưởng đã được UBND TP phê duyệt và hoàn tất thủ tục bán đấu giá để sớm có nguồn thu cho TP. * Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM LÊ THỊ HUỲNH MAI: Thêm 26.500 doanh nghiệp mới, 21.300 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai 8 tháng đầu năm, TPHCM có hơn 26.500 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 562.000 tỷ đồng (giảm 6,7% số lượng doanh nghiệp, tăng 23% về số vốn đăng ký). TP có gần 21.300 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 5%). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch TPHCM vẫn chịu những tác động nghiêm trọng, trực tiếp tới doanh nghiệp và người lao động. Doanh thu du lịch tháng 8-2020 ước đạt 7.000 tỷ đồng (giảm gần 43%); lũy kế 8 tháng đạt hơn 47.400 tỷ đồng (giảm 48%, và đạt 32% kế hoạch năm). Hoạt động ngân hàng trên địa bàn TPHCM nhìn chung ổn định. Dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên đạt gần 176.300 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng chủ yếu, chiếm 70%. Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở có dư nợ cho vay khoảng 3.000 tỷ đồng với hơn 8.500 khách hàng. Đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, các ngân hàng thương mại tập trung hỗ trợ 2 nhóm chủ yếu là giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, đạt 583.000 tỷ đồng, cho hơn 240.400 khách hàng. |