Ngày 9-10, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo các công trình dự án trọng điểm TPHCM và giao ban giải ngân vốn đầu tư công. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường.
Tại cuộc họp, chủ đầu tư các dự án, các sở, ngành, địa phương đã báo cáo tiến độ giải ngân đầu tư công cũng như các vướng mắc trong quá trình triển khai 42 công trình, dự án trọng điểm.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở KH-ĐT TPHCM và Văn phòng UBND TPHCM thống kê rõ tiến độ và cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân trong thực hiện 42 dự án, đề án để theo dõi, giám sát, trên tinh thần sau buổi làm việc phải ra được kết luận cho từng dự án.
Đồng chí cũng nhấn mạnh nhiệm vụ của các chủ đầu tư, trong đó, phải đảm bảo tiến độ, xác định các vấn đề cần tháo gỡ, các cơ quan liên quan và chủ động phối hợp giải quyết. Trường hợp có vướng mắc trong quá trình phối hợp, khẩn trương báo cáo về Thường trực UBND TPHCM. Đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định, ngay khi tiếp nhận được được báo cáo về các vấn đề phát sinh, Thường trực UBND TPHCM sẽ xử lý trong ngày.
Về giải ngân đầu tư công, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, thành phố xác định không điều chỉnh chỉ tiêu giải ngân đầu tư công năm 2024 (phấn đấu đạt 95%); đồng thời yêu cầu từng chủ đầu tư phải lên kế hoạch giải ngân và báo cáo cập nhật tiến độ về Thường trực UBND TPHCM vào ngày 15 hàng tháng. Riêng các chủ đầu tư phải sát sao từng dự án và khối lượng xây lắp.
“Các đồng chí cứ nói khó trong giải phóng mặt bằng nhưng những dự án chuyển tiếp phải tập trung xem lại nhà thầu, đảm bảo tiến độ, khối lượng nhà thầu, không thể việc gì cũng quy trách nhiệm cho giải phóng mặt bằng”, đồng chí yêu cầu đánh giá kỹ, xác định rõ điểm nào cản trở để có chỉ đạo tháo gỡ.
Liên quan đến giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh bằng mọi cách phải đảm bảo có mặt bằng để triển khai dự án. “Nếu các đồng chí đã thực hiện hết các giải pháp mà không đạt kết quả thì phải dùng đến các biện pháp khác, bằng mọi cách phải đảm bảo có mặt bằng để triển khai, không thể để kéo dài”, đồng chí lưu ý.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng điểm lại 5 nhóm dự án mà thành phố đã đề ra để đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu giải ngân đầu tư công. Trong đó, nhóm dự án giải phóng mặt bằng (hơn 30.400 tỷ đồng); nhóm các dự án khởi công mới (hơn 8.000 tỷ đồng); nhóm dự án hiện đang thực hiện theo tiến độ (9.600 tỷ đồng); nhóm liên quan thủ tục của trung ương (hơn 10.000 tỷ đồng); nhóm 57 dự án vướng mắc về quy hoạch (4.400 tỷ đồng). Đồng chí phân tích kỹ từng giải pháp cho các nhóm dự án; đồng thời tin tưởng với quyết tâm chính trị và sự tập trung cao độ, có trách nhiệm của các chủ đầu tư, địa phương, đơn vị, TPHCM sẽ hoàn thành được chỉ tiêu đã đề ra.
“Tinh thần là các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm chính trong xác định các vướng mắc, các sở, ngành liên quan tập trung phối hợp để đẩy nhanh triển khai các dự án và giải ngân được vốn đầu tư công”, đồng chí nhắc nhở, đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư phải sát sao cho từng dự án, các sở, ngành nâng cao trách nhiệm trong từng nhóm dự án để giải quyết có hiệu quả các nội dung, đầu việc đã đề ra.
Theo báo cáo của Sở KH-ĐT TPHCM, tính đến hết tháng 9-2024, tổng số vốn đã giải ngân là gần 16.000 tỷ đồng, đạt 20,2%. Qua tổng hợp nội dung báo cáo của cơ quan đầu mối, chủ đầu tư, Sở KH-ĐT thông tin cụ thể về tiến độ của 42 dự án, 5 đề án và 3 đồ án quy hoạch. Cụ thể:
Đối với 42 dự án, có 18 dự án đúng tiến độ như dự án Nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi (quận 8); Vành đai 4 TPHCM; Dự án Đầu tư xây dựng Cầu Cần Giờ; Dự án Đầu tư xây dựng Cầu Thủ Thiêm 4; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3)…
Đối với 5 đề án, có 3 đề án được các đơn vị đánh giá đúng tiến độ, gồm: Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM; Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TPHCM; Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.
Về 3 đồ án quy hoạch, có 1 đồ án được báo cáo đủ thông tin là Đồ án Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiện đang triển khai theo tiến độ thực hiện thủ tục liên ngành.