Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Trong tháng 5, phải khởi động lại dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị hoàn thiện các kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết thay Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sau khi được thông qua. Người đứng đầu chính quyền TPHCM yêu cầu các đơn vị không chờ nghị quyết được thông qua mới triển khai mà phải chuẩn bị trước, có sự phân công thực hiện cụ thể.

Ngày 28-4, UBND TPHCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, 4 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5-2023. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Số hồ sơ mua bán đất đai tăng

Tại phiên họp, đại diện các sở, ngành, đơn vị đã thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua và nhận diện các khó khăn, điểm sáng trong thời gian tới.

Về tình hình thu ngân sách của thành phố, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Duy Minh thông tin, nếu giữ mức thu như hiện nay thì vẫn có thể đảm bảo thu 470.000 tỷ đồng trong năm nay. Tuy nhiên, hiện số tiền mặt đổ về kho bạc hàng ngày giảm dần.

Giám đốc Sở Tài chính TPHCM phân tích, nguyên nhân lớn nhất là do thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán đang gặp khó khăn. Đây là hai thị trường có đóng góp lớn vào ngân sách thành phố, cần phải tìm hướng tháo gỡ, khơi thông lại hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sự phục hồi của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Lê Duy Minh cho rằng thời gian qua, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách để gia hạn, giảm nhiều loại thuế để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Không chỉ vậy, Chính phủ đã xem xét trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT cho tất cả các lĩnh vực, mặt hàng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân cho người dân.

Theo ông Lê Duy Minh, những chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến việc thu thuế.

Phân tích thêm, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 4 giảm so với các tháng ở quý 1. Nguyên nhân lớn của việc xuất nhập khẩu giảm cũng xuất phát từ khó khăn của thị trường bất động sản. Khi thị trường này “chững lại” thì những mặt hàng liên quan như vật tư xây dựng, sắt thép, nội thất, trang thiết bị… cũng “chững lại”.

Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng nêu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng nêu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng đánh giá phải đến quý 3, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mới có thể khởi sắc trở lại, từ đó xuất nhập khẩu mới có thể tăng trưởng.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM nhấn mạnh, ngành kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 3% GDP nhưng có sức lan tỏa đến 40 ngành kinh tế khác nhau. Do đó, khi ngành này khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến các dịch vụ khác.

Theo Cục trưởng Cục Thống kê, một con số đáng mừng là qua 4 tháng, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường chỉ còn 0,7 lần so số doanh nghiệp tham gia thị trường. Tuy chưa bằng năm 2022 nhưng đây là tín hiệu cho thấy dòng vốn đang chảy về thành phố.

Chia sẻ thêm về tình hình bất động sản trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng thông tin, trong tháng 4, số hồ sơ mua bán đất đai trên địa bàn thành phố là 7.400 (tăng 26% so với tháng 3), thu thuế 1.200 tỷ đồng (bằng 44% so với chỉ tiêu năm 2023). Điều này cho thấy tín hiệu khả quan, tháng 5 và các tháng còn lại với đà tăng như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng chung của thành phố.

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng thông tin về tình hình bất động sản trên địa bàn TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng thông tin về tình hình bất động sản trên địa bàn TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Sở cũng đã cấp giấy chứng nhận cho các dự án nhà ở cho khoảng 7.600 căn hộ. Hiện còn hơn 81.000 căn chưa cấp được giấy chứng nhận. Dự kiến, trong tháng 5, sẽ giải quyết được hơn 8.100 căn (chiếm 10%).

Hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết thay thế Nghị quyết 54

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện triển khai thực hiện Kết luận 550 của Thành ủy TPHCM sau khi sơ kết kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý 1-2023.

Đồng thời, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị hoàn thiện các kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết thay Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sau khi được thông qua. Người đứng đầu chính quyền TPHCM yêu cầu các đơn vị không chờ nghị quyết được thông qua mới triển khai mà phải chuẩn bị trước, có sự phân công thực hiện cụ thể. Những nội dung cần HĐND TPHCM thông qua thì chuẩn bị khẩn trương để trình trong năm nay.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu các sở ngành, quận huyện chuẩn bị sơ kết giữa nhiệm kỳ, đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, báo cáo Thành ủy và Trung ương.

Song song đó, các đơn vị cần đẩy mạnh thực hiện chủ đề năm 2023 “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội” gắn với thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Vừa qua, TPHCM đã có kế hoạch cụ thể hóa Kết luận 14, sàng lọc được 33 đề án mà các sở ngành, địa phương đề xuất thực hiện. Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị tổ công tác về vấn đề này xem xét triển khai các đề án, đẩy mạnh tinh thần năng động, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ thành phố.

Vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM cũng đã có buổi gặp gỡ Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn. Sau khi nghe ý kiến của chính quyền cơ sở, Chủ tịch UBND TPHCM đã đề nghị Sở TT-TT chủ trì tham mưu đề án nâng cao chuyển đổi số của chính quyền cơ sở từ thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và các chính sách khác.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, nếu đề án này được thực hiện có thể giảm ít nhất 1/3 khối lượng công việc của chính quyền cơ sở trong bối cảnh TPHCM không thể tăng biên chế.

Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu các đơn vị tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn thành phố. Về đầu tư công, vừa qua, HĐND TPHCM đã phân bổ hết nguồn vốn dự phòng và phân bố hết vốn đầu tư năm 2023.

Đồng chí đề nghị Sở KH-ĐT thúc đẩy các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các thủ tục để thực hiện các dự án. Song song đó, đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án đã được phân bổ vốn. Phấn đấu đến 30-6 này, mặt bằng của các dự án phải được giải phóng 70% diện tích.

“Quyết liệt đến hết quý 2 này, TPHCM phải giải ngân được 35% vốn đầu tư công được giao. Các ban được giao giải ngân vốn lớn phải hết sức tập trung”, Chủ tịch UBND TPHCM đặt chỉ tiêu.

Riêng về dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1 - dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng - PV), Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị tập trung chỉ đạo, quyết tâm trong tháng 5, phải khởi động lại dự án, hoàn thành dự án vào cuối năm.

Về tiến độ thực hiện các đồ án quy hoạch, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị hoàn thành công tác đầu thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện Quy hoạch TPHCM giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn chỉnh, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng thẩm định đồ án Quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040; ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn lập quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thành phố sẽ chuẩn bị Đề án Xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trình Ban Thường vụ Thành ủy và Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, giám sát chặt chẽ tình hình với tinh thần không hoang mang nhưng không được chủ quan. Đồng thời, cần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự.

Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng, 10 ngày qua, trung bình mỗi ngày TPHCM có 300 ca mắc mới. Hiện có 16 ca đang thở máy, đây là tình trạng đáng lo khi cận kề kỳ nghỉ lễ dài. Qua phân tích 353 người bệnh đang điều trị tại bệnh viện, 90% bệnh nhân có bệnh nền; 73% là nhóm nguy cơ gồm người trên 50 tuổi, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai; còn lại là nhóm chưa tiêm vaccine.

Qua khảo sát, có khoảng 4.000 người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm mũi vaccine nào. Mỗi ngày, TPHCM tiêm khoảng 3.000 mũi vaccine. Sở Y tế TPHCM đang đề xuất Bộ Y tế phân bổ thêm 50.000 liều vaccine.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Vừa qua, Thành ủy, UBND TPHCM cũng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. TPHCM đã kích hoạt lại chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Trong đó, đã kích hoạt lại bệnh viện dã chiến số 13.

Theo ông Tăng Chí Thượng, việc này nhằm hỗ trợ các bệnh viện có giường bệnh điều trị các bệnh khác, chứ không phải nhiều ca nặng mà kích hoạt.

Tin cùng chuyên mục