Ngày 5-7, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) tổ chức hội nghị lần thứ 15 mở rộng. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì hội nghị.
Khách mời Trung ương có đồng chí: Nguyễn Xuân Liết, Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tổ chức Trung ương.
Về phía TPHCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM. Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Vì sao TPHCM thuộc nhóm giải ngân vốn đầu tư công chậm?
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin, 6 tháng đầu năm 2022, TPHCM kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế - xã hội phục hồi nhanh, khá toàn diện.
Theo đồng chí, Bộ Nội vụ cũng đang chủ trì lấy ý kiến sửa Nghị định 33 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Thành phố tập trung góp ý để có tiếng nói sát hơn để triển khai mô hình chính quyền đô thị. Qua đó, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, các quận góp ý sâu cho nội dung này.
Lý giải về đầu tư công của TPHCM chậm, là 1 trong 21 tỉnh thành giải ngân dưới 20%, người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết nguyên nhân do việc chuẩn bị dự án năm 2021 của Thành phố chưa tốt. Cùng với đó, UBND TPHCM trình HĐND TPHCM giao vốn chậm; giá nguyên vật liệu, nhất là vật liệu xây dựng tăng nhanh nên các hoạt động dự kiến trước đó đang bị kéo chậm để chờ chính sách mới. Thành phố cũng đã kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo điều chỉnh về giá, điều chỉnh hợp đồng để thúc đẩy các hợp đồng đã ký. Ngoài ra, TPHCM cũng có một số giải pháp nhằm cải thiện tình hình. Cụ thể, Thành phố tổ chức họp giao ban hàng tháng, trong đó yêu cầu các chủ đầu tư lên kế hoạch tiến độ cho từng dự án; thành lập các tổ công tác gồm tổ giải phóng mặt bằng, tổ các dự án nhiều vốn nhưng giải ngân chậm và tổ ODA. Qua đó giúp tháo gỡ những tồn đọng với mong muốn quý 3, 4 tốc độ giải ngân được cải thiện.
10 nhóm việc phải rà soát, hoàn thành trong năm 2022
Tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi đã thông tin về 10 nhóm việc TPHCM phải rà soát, hoàn thành trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, trước mắt phải rà soát quyết liệt, thực hiện cho đạt 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà nghị quyết HĐND TPHCM đã xác định; tập trung triển khai 49 chương trình, đề án. Đồng chí yêu cầu, đến tháng 10-2022, tất cả các đề án phải được triển khai thực hiện và lưu ý các địa phương, đơn vị rà soát lại, nội dung nào đã thực hiện thì tập trung đẩy nhanh, nội dung nào chưa hoàn thiện văn bản thì sớm hoàn thiện để ban hành, tổ chức thực hiện.
Cùng với đó, tập trung hoàn thành dự thảo quy hoạch kinh tế - xã hội Thành phố, mục tiêu đến quý 2-2023 trình Trung ương phê duyệt. Song song đó, phấn đấu cuối năm hoàn thành việc rà soát điều chỉnh quy hoạch chung của TPHCM; sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch chung TP Thủ Đức để trình Trung ương phê duyệt.
Thành phố tập trung hoàn thành kế hoạch khép kín vành đai 2 (hiện còn 11km) và khẩn trương triển khai vành đai 3 để đến tháng 6-2023 khởi công theo chỉ đạo của Trung ương; tham khảo ý kiến Bộ GTVT và bàn bạc với các tỉnh để trình Quốc hội về dự án vành đai 4; phấn đấu cuối năm nay sẽ chạy thử nghiệm tuyến Metro số 1 và năm sau sẽ chạy thương mại. Đồng thời nghiên cứu các giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chương trình xây dựng nhà ở xã hội với tinh thần quyết tâm giải quyết nhu cầu nhà ở giá thấp, phù hợp thu nhập của người dân kết hợp với di dời nhà trên, ven kênh rạch và cải tạo nhà chung cư cũ. Phấn đấu đến năm 2025 giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở rất khó khăn như hiện nay.
Ngoài ra, TPHCM tiếp tục đeo bám dự thảo xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm (TP Thủ Đức); hoàn thiện kế hoạch sử dụng vốn, sử đụng đất giai đoạn 2021-2025; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với 118 dự án bất động sản trên địa bàn; lập tổ tổ công tác để giải quyết có hiệu quả 647 việc còn vướng mắc tại các địa phương, đơn vị.
Cùng với đó, tập trung triển khai đồng bộ hơn nữa các giải pháp phát triển du lịch, xây dựng chiến lược thương hiệu Thành phố. Tập trung phục hồi toàn diện thương mại dịch vụ, trong đó sự chủ động trong chương trình bình ổn giá của Thành phố; củng cố 2 ngành công nghiệp còn tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm là xây dựng - bất động sản và công nghiệp điện – điện tử; tổ chức diễn đàn xuất khẩu để thúc đẩy xuất khẩu.
Về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, TPHCM đang tập trung các đề án phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đồng chí Phan Văn Mãi lưu ý các cấp ủy các cập tập trung lãnh đạo, có kế hoạch thúc đẩy sáng tạo trong khu vực công. “Nếu làm tốt nội dung này sẽ tạo ra động lực giải quyết các vấn đề liên quan đến thực hiện Kết luận 14 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung mà Bộ Chính trị mới ban hành”, đồng chí nhấn mạnh. Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ triển khai mạnh mẽ các giải pháp nâng cao các chỉ số cải cách hành chính; triển khai nền tảng điều hành kinh tế - xã hội, nền tảng giao – nhận thực hiện nhiệm vụ và nền tảng quản lý tương tác, nhất là khiếu nại của người dân đối với chính quyền…