Chiều 27-1, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM giao ban trực tuyến với các sở - ngành, quận huyện và TP Thủ Đức về công tác phòng chống dịch ở thành phố. Chủ trì cuộc họp là đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM và đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ phấn khởi khi 4 tuần liên tục gần đây thành phố giữ được vùng xanh. Kết quả này có được từ sự nỗ lực của người dân thành phố và trực tiếp là đội ngũ cán bộ ở cơ sở, quận, huyện, TP Thủ Đức. Đồng chí mong muốn người dân và đội ngũ cán bộ tiếp tục chung tay giữ được kết quả này trong và sau Tết Nguyên đán 2022, nhằm tạo điều kiện ổn định để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Phan Văn Mãi chỉ đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức yêu cầu các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị phải đảm bảo có tết an toàn về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, an toàn phòng chống dịch; kịp thời xử lý tình huống có liên quan, đảm bảo cho người dân đón tết vui tươi, đầm ấm, tiết kiệm và an toàn.
“Chúng ta vui mừng trước kết quả phòng chống dịch nhưng không nên quá phấn khởi mà tập trung đông người. Tết là đoàn viên, tết là sum họp nhưng là đoàn viên nhóm nhỏ, vừa đủ và thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống dịch, tránh tụ tập đông người lại không có biện pháp an toàn dẫn tới lây lan dịch bệnh”, đồng chí Phan Văn Mãi lưu ý. |
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng chỉ đạo ngành y tế, các lực lượng phòng chống dịch ở cơ sở phải phân ca trực, kịp thời xử trí các tình huống y tế xảy ra. Theo đồng chí, từ ý thức chấp hành của người dân ở cộng đồng, đến các lực lượng phản ứng ở cơ sở và khâu tiếp nhận, điều trị - cùng với đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn PCCC, an ninh trật tự - thì thực sự sẽ có tết vui tươi, đầm ấm, tiết kiệm và an toàn.
Về việc tiêm vaccine, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động và tổ chức các điểm tiêm vaccine xuyên Tết Nguyên đán 2022.
Về công tác đưa trẻ tới trường học trực tiếp, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, các địa phương cần rà soát lại những công việc cuối cùng nhằm chuẩn bị khởi động lại việc đi học trực tiếp của khối mầm non, tiểu học và lớp 6. Theo đồng chí, số lượng các khối lớp không nhiều nhưng đây là đối tượng nhỏ tuổi, vì vậy cần chuẩn bị một cách chu đáo, khoa học, an toàn. “Đưa trẻ đến trường càng sớm càng tốt, tất nhiên phải đảm bảo an toàn”, đồng chí Phan Văn Mãi nhắn nhủ.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng nhấn mạnh công tác chuẩn bị tết, đặc biệt là chăm lo tết cho gia đình chính sách, hưu trí, lực lượng tuyến đầu, hộ nghèo… Các chính sách chăm lo tết đã được công bố rồi thì các địa phương phải nhanh chóng triển khai đến hưu trí, người dân trước tết. Theo đồng chí, các địa phương nên chuyển khoản trực tiếp cho người nhận. Đối với trường hợp người lớn tuổi và không chuyển khoản được thì cán bộ cơ sở phải mang chế độ tới tận nhà người dân, hoặc giải quyết cho người nhà nhận thay nhằm tránh phiền hà cho người lớn tuổi phải đi lại nhận chính sách chăm lo tết.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi lưu ý, trong phòng chống dịch, cần thường xuyên giám sát sự lây lan biến thể Omicon và có thể có sự xuất hiện biến thể mới.
Theo quy định mới sẽ chỉ đánh giá cấp độ dịch ở cấp xã, không đánh giá cấp huyện, cấp tỉnh. Đối với TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu ngành y tế cần tính toán thêm và có hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch ở cấp quận và thành phố để tham khảo. Đồng chí nhấn mạnh, phải hành động đồng bộ, nhịp nhàng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện cho người dân vui xuân đón tết một cách vui tươi, đầm ấm, tiết kiệm và an toàn.
Phương pháp mới xác định Omicron chỉ tốn 2 giờ và thêm 100.000 đồng
Trước đó, thông tin tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, đến nay, TPHCM ghi nhận 92 ca mắc biến thể Omicron. Kết quả khảo sát chùm ca Omicron cộng đồng tại TPHCM cho thấy, chùm ca có nguồn gốc từ 1 người bệnh nhập cảnh rồi lây nhiễm cho những người khác qua tiếp xúc gần trong quá trình làm việc và sinh hoạt. Hiện nay, chùm ca nhiễm này cơ bản đã được khống chế, không lây lan rộng.
PGS-TS Tăng Chí Thượng đánh giá, điểm tích cực là số ca mắc mới giảm mạnh hàng tuần; số ca trở nặng tiếp tục giảm. Đến ngày 27-1, thành phố đang quản lý 6.528 F0 điều trị tại 3 tầng, gồm 4.341 ca điều trị tại nhà, 80 ca điều trị tại cơ sở cách ly; 1.649 ca điều trị tại bệnh viện tầng 2; 458 ca điều trị tại bệnh viện tầng 3. Số ca thở máy tiếp tục giảm, hiện còn 170 ca và kỳ vọng tiếp tục sẽ giảm. Trong tuần qua, số ca tử vong giảm xuống dưới 10 ca/ngày; riêng ngày 27-1, ghi nhận 11 ca tử vong trong đó có 4 ca ở thành phố, 7 ca ở tỉnh khác chuyển đến.
Thực hiện chiến dịch bảo vệ nhóm người thuộc nhóm nguy cơ, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã xét nghiệm đợt 3 cho hơn 512.700 người trong tổng số gần 647.600 người thuộc nhóm nguy cơ (tỷ lệ 79%). Qua đó, phát hiện thêm 139 người mắc Covid-19, tất cả đã được điều trị kịp thời. Đến nay, chiến dịch này đã cập nhật danh sách gần 647.600 người thuộc nhóm nguy cơ; thực hiện xét nghiệm tầm soát hơn 1,7 triệu lượt người, qua đó phát hiện và chủ động điều trị cho hơn 5.600 người.
Về tình hình tiêm vaccine, đến trưa 27-1, thành phố đã tiêm hơn 4,5 triệu mũi 3 và mũi nhắc lại (đạt 93%). Thành phố đang triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân, tổ chức tiêm chủng xuyên tết tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức; công bố địa điểm tổ chức tiêm và người dân được tiêm không cần đăng ký trước.
Từ ngày 1-1 đến nay, TPHCM có gần 15.900 người nhập cảnh, trong đó có gần 12.600 hành khách. Qua xét nghiệm tầm soát, ghi nhận 198 người dương tính và kết quả giải trình tự gen phát hiện 92 người dương tính với Omicron.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, sau một thời gian giám sát cho thấy, hầu hết trường hợp mắc Omicron không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Nhiều người nhập cảnh có nguyện vọng về nhà cách ly.
Vì vậy, Sở Y tế TPHCM đang đề nghị điều chỉnh quy trình cách ly người nhập cảnh có kết quả dương tính. Theo đó, trường hợp nặng sẽ chuyển về các bệnh viện dã chiến 3 tầng (dự kiến các trường hợp này không nhiều); trường hợp trung bình thì chuyển về Bệnh viện dã chiến số 12 hoặc bệnh viện tư nhân nếu người nhập cảnh có nhu cầu. Trường hợp có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng thì có thể được cách ly tại nhà nếu người nhập cảnh có nguyện vọng và cam kết đủ điều kiện cách ly, cam kết tuân thủ cách ly.
Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng báo tin vui, sáng 27-1, Sở Y tế có làm việc với Hội Y học TPHCM, các chuyên gia của Hội Y học đã nghiên cứu, khảo sát và thực hiện thành công phương pháp xét nghiệm Real – time PCR (MPL RT-rPCR) xác định biến thể Omicron mà không cần phải trải qua quy trình giải mã trình tự gen. Với xét nghiệm này, việc phát hiện Omicron chỉ mất 2 giờ, trong khi giải mã trình tự gen mất 4 ngày và chi phí chỉ tốn thêm 100.000 đồng.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, giải pháp MPL RT-rPCR không chỉ chi phí thấp hơn mà cũng nhạy hơn giải trình tự gen vì các trường hợp hàm lượng virus thấp thì không thể giải trình tự gen được nhưng MPL RT-rPCR vẫn phát hiện được. Phương pháp mới giúp phát hiện kịp thời và không bỏ sót các trường hợp mắc Omicron. “Đây là phát hiện mới của TPHCM, cả nước chưa có. Hiện nay, Sở Y tế đang phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM để hoàn chỉnh bài bản kết quả nghiên cứu, công bố cụ thể”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.
Đề cập tới phương pháp mới có thể xác định biến thể Omicron không cần phải trải qua quy trình giải mã trình tự gen đang được nghiên cứu, đồng chí Phan Văn Mãi chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM sớm hoàn thiện giải pháp này, sớm đăng ký nhằm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo đưa vào ứng dụng trong thực tế.
Phát biểu tại buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức truyền đạt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vào sáng 27-1.