Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Phát triển thành phố trong làng, làng trong thành phố

Trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều 20-6, đại biểu Quốc hội Phan Văn Mãi chia sẻ, TPHCM đã báo cáo Thường trực Chính phủ về quy hoạch TPHCM, trong đó có định hướng phát triển thành phố trong làng, làng trong thành phố. 

Chiều 20-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản; dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Thảo luận tại tổ, Đại biểu Quốc hội (ĐB) Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM khóa XV cho biết, dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là thể chế hóa Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

c1a3a024e1c2429c1bd3.jpg
ĐB Phan Văn Mãi góp ý về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phan Văn Mãi cho rằng, khi thể chế hóa cần cập nhật các xu hướng phát triển đô thị lớn. Đồng thời đặt ra vấn đề là cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ việc hình thành các khu đô thị công nghiệp dịch vụ, đô thị tri thức sáng tạo, đô thị đa trung tâm, phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD)...

Về nông thôn, ĐB Phan Văn Mãi chia sẻ, TPHCM đã báo cáo Thường trực Chính phủ về quy hoạch TPHCM, trong đó có định hướng phát triển thành phố trong làng, làng trong thành phố. Vậy vùng nông thôn sẽ có đô thị xanh, đô thị sinh thái... Do đó, ĐB Phan Văn Mãi đề nghị những vấn đề trên cũng cần nghiên cứu, rà soát và bổ sung vào dự án luật lần này. Điều này góp phần thể chế hóa chi tiết, cụ thể để đưa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn cuộc sống.

27d36410b5f716a94fe6.jpg
ĐB Trần Hoàng Ngân tham gia góp ý. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng quá trình đô thị hóa rất nhanh, cả nước có 902 đô thị trong cả nước, trong đó có 2 đô thị đặc biệt. Vì vậy, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đặc biệt dành cho các đô thị loại 2, thành phố trực thuộc Trung ương.

ĐB đề nghị, rà soát về phân cấp, phân quyền trong khâu lập, thẩm định phê quy hoạch cũng như cắt bỏ các thủ tục không cần thiết trong quy trình này để cải cách hành chính.

1bd08415caf369ad30e2.jpg
ĐB Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM điều hành phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng tình với ý kiến của ĐB Trần Hoàng Ngân, ĐB Phan Văn Mãi cho rằng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xác định các loại hình đô thị, vùng nông thôn.

ĐB Phan Văn Mãi đặc biệt nhấn mạnh đến phân cấp, phân quyền trong việc tiến hành các thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, triển khai xây dựng các khu đô thị, nông thôn.

f7523a3f62d9c18798c8.jpg
ĐB Trần Kim Yến tham gia góp ý. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phan Văn Mãi cho rằng, dù phát triển đô thị hay phát triển nông thôn đều phải hướng đến phát triển bền vững, gắn với ứng dụng công nghệ; đồng thời bảo tồn những giá trị tự nhiên, thiên nhiên, sinh thái không chỉ ở vùng nông thôn mà cả ở đô thị; quan tâm xử lý các vấn đề đặt ra như ngập nước, giao thông, xử lý nước thải - rác thải, thích ứng biến đổi khí hậu...

Góp ý về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị cần có chính sách, các chỉ tiêu để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

cd56870969eecab093ff-1.jpg
ĐB Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: QUANG PHÚC

“Các thế hệ hiện nay tiêu xài tài nguyên phải trên nguyên tắc để dành cho thế hệ mai sau”, ĐB nhấn mạnh và đề nghị cần có nguyên tắc khai thác tài nguyên phải quan tâm đến lợi ích của thế hệ mai sau.

Tin cùng chuyên mục