Chiều 19-8, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM làm việc với UBND huyện Củ Chi về tình hình kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 5 tháng cuối năm 2022 và giải quyết các đề xuất, kiến nghị của huyện.
Phát triển du lịch sinh thái ven sông
Báo cáo trước đoàn làm việc, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, đến thời điểm này, huyện đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch năm. Trong đó, thu ngân sách đã đạt 119,77% kế hoạch năm. Điều đáng mừng là các khoản thu từ khu vực kinh tế công thương nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động sản xuất kinh doanh đều cao và tăng so với cùng kỳ.
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, ngay từ đầu năm, huyện đã tập trung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và doanh nghiệp FDI để nhanh chóng quay trở lại đường đua. Lãnh đạo huyện, xã trực tiếp xuống thăm hỏi động viên tháo gỡ cho doanh nghiệp. Kết nối doanh nghiệp, ngân hàng để cho vay phục hồi sản xuất hơn 500 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động sau dịch.
“Thời gian qua du khách chỉ biết đến Bến Dược. Nhân dịp 2-9 huyện sẽ tổ chức ngày hội để quảng bá. Thông qua các hoạt động này, huyện sẽ định hướng mô hình kinh tế mới, trước đây là phát triển nông nghiệp truyền thống, nay là phát triển nông nghiệp phục vụ du lịch, phát triển thương mại du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái nhà vườn nghỉ dưỡng để tạo nhiều giá trị hơn cho người nông dân”, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi nói.
Sau các hội nghị xúc tiến đầu tư, giá đất tại huyện Củ Chi tăng cao, các đầu nậu, nhà kinh doanh bất động sản tách thửa đất nông nghiệp bán với giá "sốt" từng ngày. Huyện ủy khẩn trương ra chỉ thị, UBND huyện ban hành kế hoạch kịp thời, nên chỉ trong vòng 2 tuần thì giá đất và thị trường bất động sản ở Củ Chi đã được kiềm chế, tạo cơ hội lớn để bất động sản hạ nhiệt, giữ đất để phát triển đúng định hướng du lịch nông nghiệp, thu hút nhà đầu tư.
Việc không đồng bộ giữa các quy hoạch cũng gây khó khăn cho công tác quản lý và đời sống người dân. Chẳng hạn, quy hoạch sử dụng đất không phù hợp quy hoạch xây dựng. Số vụ tai nạn giao thông cũng tăng lên ở những tuyến đường như quốc lộ 22, tỉnh lộ 7, tỉnh lộ 8; nguyên nhân là đường quá nhỏ hẹp, lại nhiều xe lớn cùng di chuyển.
Để đạt và vượt tất cả chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao, trong những tháng cuối năm, huyện Củ Chi sẽ tập trung cải cách hành chính, triển khai dự án đường Vành đai 3, xây dựng đề án xây dựng huyện thành thành phố thuộc thành phố. Đặc biệt, huyện định hướng phát triển kinh tế theo hướng du lịch, dịch vụ.
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, huyện có 55km đường sông, qua các xã Trung An, Hòa Phú, Bình Mỹ, trồng cây ăn trái rất nhiều nhưng không ai biết tới, do muốn xây dựng một nhà chòi, một nhà vệ sinh phục vụ du khách cũng không được phép. Chủ tịch UBND huyện Củ Chi mong muốn thành phố sẽ ủng hộ việc này để Củ Chi phát triển du lịch nhà vườn ven sông. Bởi hiện nay người dân sống trên vùng đất trù phú, nhiều cây ăn trái, nhưng mang lại giá trị rất nhỏ, trái cây chỉ mang ra chợ bán chứ chưa phục vụ được cho du lịch.
Nghề truyền thống làm bánh tráng mang lại nhiều giá trị, có cơ sở xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu với quy mô lớn, nhưng theo công nghệ mới, để đảm bảo an toàn thực phẩm thì không phải phơi nắng như trước mà phải sấy trong nhà kính. Người dân có nhu cầu làm các nhà để sấy cũng chưa được phép.
Trong 5 tháng cuối năm, Củ Chi cũng sẽ tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải ngân vốn. Với vấn đề liên quan đến dự án Safari, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, có hai vấn đề là tạm cư và tái định cư đang rất cần được UBND TPHCM và các sở ngành hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết.
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cũng nêu một vấn đề Củ Chi đã kiến nghị nhiều năm, đó là khu cây xanh cách ly tại Khu xử lý chất thải rắn. Giai đoạn 1 của dự án này đã thực hiện xong 14 năm qua, nhưng chưa thực hiện giai đoạn 2 với 197ha. Người dân ở đây rất cơ cực, không trồng trọt được gì, trong khi trước đây có thể trồng 2-3 vụ lúa…
Củ Chi phải là một cụm đô thị, vùng đô thị
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Văn Mãi đánh giá cao những kết quả kinh tế - xã hội mà huyện Củ Chi đã đạt được trong 7 tháng đầu năm, qua đó cho thấy khả năng hoàn thành mục tiêu năm 2022 là rất khả thi. Đồng chí cũng ghi nhận những suy nghĩ, cách làm mới để phát triển thương mại, du lịch trên địa bàn, cho rằng đây là những bước đi táo bạo, nhiều sáng kiến hay, nếu làm được sẽ tác động lan tỏa một số ngành khác.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị huyện Củ Chi tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình xây dựng quy hoạch này, để định hình cho Củ Chi, hay Vùng Củ Chi trong tương lai. Đồng chí gợi mở một số định hướng phát triển. Cụ thể, Củ Chi không phải đi lên TP trực thuộc TP một mình mình, mà phải là một cụm đô thị, vùng đô thị.
Đồng chí đề nghị Củ Chi hết sức quan tâm khai thác các lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên, trong đó có 55km bờ sông Sài Gòn. Với tỷ lệ 61% đất nông nghiệp hiện nay, đồng chí đề nghị cần định hướng giữ lại tỷ lệ bao nhiêu % là đất nông nghiệp, bao nhiêu % chuyển sang mục đích khác phù hợp với mục tiêu phát triển, tạo ra giá trị lớn hơn. “Giá trị lớn hơn không phải là bất động sản. Còn nông nghiệp phải là nông nghiệp sinh thái, giá trị cao”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Cũng theo đồng chí, khi định hướng phát triển trong quy hoạch, cần quan tâm làm hài hòa hơn các công năng sinh thái, hạ tầng xã hội, chứ không nên phát triển đô thị “nén”. Về du lịch, đồng chí gợi mở: “Nên chăng du lịch Củ Chi mang chủ đề là du lịch hòa bình, dựa trên truyền thống của vùng đất thép. Để nói tới Củ Chi thì khách du lịch nhận biết vùng đất này như là Hiroshima và Nagasaki (hai thành phố của Nhật Bản bị Mỹ ném bom nguyên tử trong chiến tranh thế giới thứ hai –PV), mong muốn được một lần đến với Củ Chi”.
Về các kiến nghị cụ thể của Củ Chi, đồng chí Phan Văn Mãi chỉ đạo các sở ngành phân loại các công việc, có thời hạn giải quyết, trong đó có những nhóm việc cần dứt điểm ngay trong tháng 9. Về kiến nghị của huyện Củ Chi liên quan đến việc giao vốn cho các dự án đầu tư công, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở KH-ĐT giải quyết dứt điểm trong tháng 8.
Trao đổi tại buổi làm việc, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Nguyễn Thanh Nhã cho rằng, quy hoạch trước đây so với thời điểm hiện nay đã có những điểm không còn tương thích với trình độ phát triển. Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Nguyễn Thanh Nhã trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG Giám đốc Sở QH-KT khẳng định, dư địa phát triển dự kiến cho vùng Tây Bắc là rất lớn. Nếu như trước đây TPHCM định hướng phát triển hướng tâm, thì nay, khi khu vực nội thành đã phát triển ổn định, thì xu hướng là phát triển ra ngoại vi. Với cách tiếp cận đó, Củ Chi với lợi thế quỹ đất lớn, địa chất tốt không bị ngập lụt là những ưu thế. Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG Trong khi đó, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết, tuần tới khi sở này gửi văn bản đề nghị huyện góp ý về quy hoạch sử dụng đất 2021-2025, thì Củ Chi cần nêu đầy đủ các mong muốn, đưa vào quy hoạch các chỉ tiêu, mật độ, tầng cao… để chuẩn bị cho sự phát triển sau này. |