Chiều 15-2, đoàn công tác của UBND TPHCM do đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM làm trưởng đoàn, đã có buổi phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Sở Nội vụ TPHCM năm 2022.
Phát biểu tại buổi duyệt kế hoạch, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ghi nhận năm 2021, ngành nội vụ đã làm tốt công tác điều phối nhân lực phục vụ phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, một số nhóm công việc của ngành mới đạt kết quả bước đầu, chưa chuyển hóa thành kết quả, hiệu quả như mong muốn.
Trong năm 2022, đồng chí Phan Văn Mãi cơ bản thống nhất 80 đầu việc sở thực hiện và đề nghị sở tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên trong đoàn công tác, để thực hiện các công việc có trọng tâm, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, đề án, chương trình mà TPHCM đã đặt ra.
Cụ thể, trong công tác tổ chức nhà nước, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Sở Nội vụ phải tập trung cải cách hành chính (CCHC), cải thiện chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số CCHC (PAR-index). Bởi, công tác CCHC ở TPHCM không chỉ tác động như 1 tỉnh thông thường, mà tác động rất lớn đến sự phát triển chung của cả nước. Đồng thời, ngành nội vụ cùng giám sát, cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng lưu ý, Sở Nội vụ phải thúc đẩy triển khai dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, cần nghiên cứu thiết lập phương thức số giao tiếp giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp, cũng như có cơ chế lắng nghe ý kiến người dân.
Về công tác tổ chức, biên chế, đồng chí Phan Văn Mãi nêu ra nhiều vấn đề lớn đòi hỏi phải làm một cách bài bản, khoa học như đề án sắp xếp lại hệ thống y tế, chuyển trung tâm y tế về thuộc quận, huyện và TP Thủ Đức quản lý, củng cố y tế cơ sở; việc tổ chức lại bộ máy, nhân sự và phương thức hoạt động đối với các địa bàn quận, huyện có cả triệu dân (TP Thủ Đức, quận Bình Tân…).
Theo đồng chí, không phải cứ mỗi năm dân cư tăng thêm là tăng thêm biên chế mà phải có đề án tổ chức hoạt động, thực hiện tổng hợp các giải pháp, chú trọng đến phương thức hoạt động bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Một mảng nội dung quan trọng được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu là nâng chất thực hiện chính quyền đô thị; tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức; tiếp tục nghiên cứu, thực hiện Đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành hố thuộc TPHCM) giai đoạn 2021-2030, đề án sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn thành phố…
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, phát huy phân cấp, ủy quyền; hiện đại hóa, số hóa dữ liệu hành chính, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành nội vụ.
Liên quan đến công tác cán bộ, công chức, viên chức, đồng chí Phan Văn Mãi chỉ đạo Sở Nội vụ vận dụng các quy định chung và có cách tiếp cận phù hợp với TPHCM để tuyển dụng được nhân sự phù hợp vào hệ thống chính quyền. Tiếp đó, phối hợp với Học viện Cán bộ TPHCM để đào tạo phù hợp theo chức danh, đáp ứng tốt yêu cầu công việc đối với TPHCM – một thành phố luôn luôn đi trước, có sứ mệnh là đầu tàu, là trung tâm kinh tế của cả nước.
“Để thực hiện được sứ mệnh đó, thành phố phải có đội ngũ cán bộ đủ sức”, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu.
Đồng chí cũng chỉ đạo Sở Nội vụ giải quyết tốt công tác thanh tra, khiếu nại, tố cáo, giúp cán bộ yên tâm làm việc.
Đối với lĩnh vực thi đua khen thưởng, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, công tác này không nên thực hiện một cách rập khuôn, mà phong trào thi đua yêu nước cần tạo ra động lực, lan tỏa trở thành phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân.
“Cần thôi thúc làm sao cho ai cũng cảm thấy mình có trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển của TPHCM, ai cũng nhận thấy mình có năng lực tạo ra giá trị cho xã hội và điều đó được ghi nhận, tôn vinh”, đồng chí Phan Văn Mãi gửi gắm.
Theo đồng chí, nội dung thi đua không nên chung chung mà cần cụ thể, tạo ra sản phẩm cụ thể đóng góp cho sự phát triển và nếu phong trào thi đua tạo được môi trường sáng tạo thì TPHCM sẽ có sự phát triển hết sức mạnh mẽ.
Đồng chí cũng cho rằng, muốn biến giải thưởng Sáng tạo của TPHCM thành “giải Nobel của TPHCM” thì phải tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng quy chế phát động giải thưởng theo hướng kích thích năng lực sáng tạo, tạo ra giá trị cho xã hội.