Chiều 13-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh và các vấn đề dư luận quan tâm trên địa bàn TP. Chủ trì cuộc họp có các đồng chí: Lê Hải Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM.
Sớm triển khai gói hỗ trợ số 3
Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, khi giãn cách kéo dài, vấn đề an sinh cho người dân rất quan trọng, “ai ở đâu ở đó” không để người dân thiếu ăn thiếu mặc, khi người dân cần hỗ trợ y tế phải đáp ứng ngay. “Đây là mệnh lệnh, là mục tiêu mà thời gian qua TP rất cố gắng thực hiện”, đồng chí Phan Văn Mãi nói.
Liên quan đến vấn đề an sinh, Chủ tịch UBND TP cho rằng, TP đã có những gói hỗ trợ và mở rộng đối tượng khi gói hỗ trợ ban đầu không đáp ứng đủ cho người dân khó khăn. Nguyên nhân là do giãn cách quá lâu nên đối tượng khó khăn tăng thêm, các cấp chính quyền khi rà soát thống kê vẫn chưa đầy đủ. “Đây là khuyết điểm của chúng tôi và xin nhận với bà con”, đồng chí Phan Văn Mãi nói và cho biết, để khắc phục, TP đã cập nhật thêm danh sách và tính toán gói hỗ trợ mới. TP sẽ tiếp tục bổ sung đảm bảo cho bà con được hỗ trợ.
Ngoài ra, TP cũng cấp 11.400 tấn gạo của Trung ương đến các xã phường. Đồng thời tiếp tục phát các túi an sinh, lương thực thực phẩm thiết yếu cho bà con. Việc thực hiện chi trả hỗ trợ không đúng, sai đối tượng, chậm trễ, thời gian qua TP đã kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ và xử lý các sai phạm.
Theo Chủ tịch UBND TP, nhiều bà con phản ánh vẫn chưa nhận được hỗ trợ dù khó khăn, hoặc người khó như nhau nhưng người nhận được người không. Nguyên nhân có thể do việc lập danh sách không đầy đủ, TP tiếp tục bổ sung, hỗ trợ. Mong bà con thông cảm và chia sẻ.
Đến nay, TP đã thực hiện sau 2 gói hỗ trợ là 6.500 tỷ đồng, trong đó 1.400 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Gói thứ 3 dự kiến đã lên đến chục nghìn tỷ đồng, vượt khả năng ngân sách nhưng vẫn phải làm, bà con phải được hỗ trợ, đảm bảo đời sống cơ bản, và yên tâm cùng TP thực hiện giãn cách. Gói hỗ trợ số 3 sẽ cố gắng triển khai sớm.
Về doanh nghiệp, 1 số doanh nghiệp thu hẹp quy mô nhưng vẫn duy trì sản xuất theo "3 tại chỗ", "2 điểm đến"… TP sẽ có hỗ trợ nhất định. Trong thời gian tới, tiếp tục ghi nhận các ý kiến để đề xuất lên Trung ương. Về hỗ trợ doanh nghiệp, TP sẽ có chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
TPHCM đang lấy ý kiến các doanh nghiệp, các Hiệp hội kiến nghị về chính sách để trình Chính phủ, Quốc hội. Với chính sách thuộc thẩm quyền, TP sẽ sớm xem xét để ban hành.
An toàn mới mở cửa và mở cửa phải an toàn
Thông tin về nguy cơ bùng phát dịch khi mở cửa, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chia sẻ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM nghiên cứu và nhận thấy, nhiều quốc gia có trình độ phát triển hơn, y tế tốt hơn, tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, do giãn cách lâu đã bắt đầu kế hoạch mở cửa, nhưng nguy cơ bùng phát khi mở cửa là có thật. Đến lúc này, chúng ta vẫn chưa hiểu hết về biến chủng Delta. Đây là một trong những lý do Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch TP rất cân nhắc.
“Chúng tôi biết sức ép đến ngày 15-9 là rất lớn, mong muốn của người dân, doanh nghiệp và cả mong muốn của lãnh đạo TP, mong muốn được mở ra, được phục hồi lại các sinh hoạt bình thường, những hoạt động kinh tế - xã hội tốt nhất có thể. Mặc dù kết quả chúng ta đạt được có chuyển biến tích cực hơn nhưng chưa đạt được như tiêu chí kiểm soát nên để thận trọng, để bảo vệ kết quả này, chúng ta chịu khó thời gian nữa để kết quả này bền vững hơn để khi mở của chúng ta yên tâm”, Chủ tịch UBND TPHCM nói. |
Trả lời câu hỏi câu hỏi làm như vậy có đảm bảo khi mở ra không có vấn đề gì không?, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, tất cả chúng ta đều mong muốn theo chiều hướng tốt đẹp nhưng cũng không ai dám chắc được nó sẽ như thế nào. Nên một nguyên tắc xuyên suốt là, “an toàn mới mở cửa và mở cửa phải an toàn”. TP thấu hiểu mong muốn sớm mở lại các hoạt động sinh hoạt bình thường và các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân, cộng đồng doanh nghiệp nhưng vì cân nhắc thận trọng cho sự an toàn nên kéo dài thêm thời gian.
Chủ tịch UBND TP bày mong muốn, bà con và doanh nghiệp cùng chia sẻ lo lắng, đồng cam cộng khổ thêm khoảng thời gian nữa để chúng ta có tự tin hơn, có thể nới lỏng mở cửa trở lại ở mức độ phù hợp với tình hình. Có thể từ đây đến cuối tháng tình hình ở số địa bàn tốt hơn thì chúng ta mở dần ở địa bàn đó. Ở những ngành có điều kiện mở thì chúng ta mở dần
“Ban Chỉ đạo TP và Ban Chỉ đạo các cấp sẽ tiếp tục tập trung nỗ lực hết sức mình để đạt được kết quả cao nhất. Và mong muốn đến cuối tháng sẽ có được kết quả phòng, chống dịch tích cực hơn, toàn diện hơn để chúng ta có đủ cơ sở để có thể mở từng bước phù hợp với tình hình khi đó”, Chủ tịch UBND TPHCM nói. |
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT, "Thẻ xanh Covid" tự động được phát sinh, dựa trên các hệ thống cơ sở dữ liệu, tiêu chí được quy định của Sở Y tế và Ban chỉ đạo. Hiện Sở TT-TT và Bộ TT-TT đang tham mưu để triển khai "Thẻ xanh Covid". Thực tế, việc có rất nhiều ứng dụng (app) khai báo đang gây khó khăn cho quản lý nhà nước và người dân. TPHCM và cả nước thống nhất sẽ dùng chung 1 ứng dụng để thuận lợi cho người dân và công tác quản lý. Trong đó, đảm bảo các thông tin tích hợp về tiêm vaccine, xét nghiệm, mã QR phương tiện vận tải, khai báo y tế…. TP đã chủ động giải pháp của mình và xin Trung ương chủ trương chủ động thực hiện. Dự kiến tuần này sẽ có quyết định và nếu triển khai sẽ tiến hành thí điểm trước ở huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi và quận 7. |