Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng, vai trò của các pháo đài cần được đánh giá rõ rệt hơn, bởi TPHCM xác định mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài, mỗi người dân là chiến sĩ phòng chống dịch. |
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến ở 24 điểm cầu tại Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM và TP Thủ Đức cùng 21 quận, huyện. Tại điểm cầu Thành ủy TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện Trung ương gồm các đồng chí: Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT-TT.
Về phía TPHCM cùng dự có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Điều chỉnh Ban chỉ đạo phòng chống dịch
Phát biểu tại hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM mở rộng vào chiều tối 6-9, đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thay mặt Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, tiếp thu các ý kiến của đại biểu tham dự hội nghị. Đối với các kiến nghị của địa phương sẽ tập hợp lại và chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, thực hiện chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, TPHCM có sự điều chỉnh về ban chỉ đạo các cấp. Đồng chí Phan Văn Mãi báo cáo và xin ý kiến hội nghị theo hướng, đối với Ban chỉ đạo TPHCM vẫn giữ nguyên như hiện tại, trong đó Chủ tịch UBND TPHCM là Trưởng Ban chỉ đạo.
Đối với 21 quận huyện và TP Thủ Đức và cấp phường xã do Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Sự điều chỉnh này đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trực tiếp của cấp ủy trong công tác phòng chống dịch hiện nay.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị Thành ủy TPHCM mở rộng, chiều tối 6-9. Ảnh: VIỆT DŨNG
Liên quan việc lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch ở các pháo đài, đồng chí Phan Văn Mãi lưu ý các quận huyện, TP Thủ Đức và các xã phường thị trấn quan tâm ở mức cao nhất để kịp thời hỗ trợ cả về sức khỏe, tinh thần của người dân và lực lượng chống dịch cơ sở do trải qua một thời gian khá dài trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, đồng chí Phan Văn Mãi nhắc lại ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nêu về việc một trong những hạn chế hiện nay trong công tác phòng chống dịch, đó là khâu tổ chức thực hiện chưa tốt ở các cấp. Cho nên, đồng chí yêu cầu rà soát lại khâu tổ chức thực hiện ở từng cấp quận huyện, cấp xã phường để khắc phục những hạn chế, thực hiện cho thật tốt trong thời gian tới.
Từ đây đến ngày 15-9, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, cơ bản thực hiện các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch như đã tiến hành từ ngày 23-8 đến nay.
Đồng chí cho biết, các lực lượng của TPHCM và lực lượng tăng cường vẫn tiếp tục duy trì như hiện tại. Tuy nhiên, một số nơi sẽ có điều chỉnh cục bộ trên từng địa bàn nhỏ, trên từng pháo đài, trên từng quận huyện để bố trí lực lượng có trọng tâm, phù hợp với tình hình mỗi nơi.
Mở lại các siêu thị ở xã phường, thị trấn
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, có 2 điều chỉnh theo hướng nới lỏng từ nay đến ngày 15-9.
Thứ nhất, các siêu thị sẽ mở đến từng xã phường, thị trấn để shipper mua hàng cho người dân và người dân “vùng xanh” đi chợ 1 lần/tuần. Các địa bàn quận 7, huyện Củ Chi và các quận huyện “vùng xanh” có thể quy định đi chợ 2 lần/tuần nếu đủ điều kiện.
Thứ hai, cho bán hàng mang về và mở hai trung tâm tiếp nhận phân phối hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn.
Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết thêm, công việc rất quan trọng tiếp theo, đó là tập trung xây dụng hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15-9. UBND TPHCM đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, trong đó trưởng ban là Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Phó Ban trường thực là Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình.
Ban Chỉ đạo giao đồng chí Lê Hòa Bình tập trung chỉ đạo các tổ công tác phối hợp với tổ chức tư vấn, các chuyên gia và tiếp thu ý kiến các chuyên gia, các doanh nghiệp, ý kiến người dân, các quận huyện để sớm có được kế hoạch tốt nhất, trên cơ sở có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, có đánh giá tình hình của TPHCM, của khu vực và cả nước. Đến trước ngày 15-9, phải có lộ trình thông tin công bố để sau ngày này triển khai thực hiện trên tinh thần an toàn tới đâu, mở tới đó nhưng nới lỏng từ từ.
Đối với nhóm việc cụ thể, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, tiếp tục tập trung xét nghiệm theo chỉ đạo và kế hoạch của Bộ Y tế và TPHCM. Bổ sung xét nghiệm lực lượng làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát, đồng thời tập trung xét nghiệm nhanh, cuốn chiếu làm sạch địa bàn ở các “pháo đài”.
Cụ thể, đồng chí đề nghị các quận huyện và TP Thủ Đức, các xã, phường, thị trấn phải quyết liệt hơn trong việc xét nghiệm để làm sạch địa bàn đến ngày 15-9 “xanh hóa” địa bàn. Để đảm bảo việc này, Sở Y tế TPHCM phải đảm bảo vật tư cho công tác xét nghiệm. “Không để thiếu kit test, thiếu vật tư y tế làm chậm công tác xét nghiệm”, đồng chí Phan Văn Mãi lưu ý.
Đối với quản lý F0 tại nhà và trong cộng đồng, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh phải quản lý thật chắc bằng phần mềm quản lý. Sau đó, tiến tới hướng dẫn F0 tự chăm sóc, tư vấn tâm lý… Đồng thời phải kịp thời hỗ trợ thuốc, oxy cho F0 tại nhà và kịp thời cấp cứu để hạn chế trở nặng, không để tử vong tại nhà.
Bên cạnh đó, TPHCM tập trung triển khai mô hình bệnh viện “chị em”. Trong đó mở thêm các bệnh viện “em” của các trung tâm hồi sức quốc gia đóng trên địa bàn TPHCM để tăng thêm năng lực điều trị ở tầng 2 với mục tiêu là giảm tỷ lệ tử vong.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị Thành ủy TPHCM mở rộng, chiều tối 6-9. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng thời Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Sở Y tế TPHCM triển khai ngay các cơ sở y tế đăng ký nhu cầu sử dụng F0 khỏi bệnh đủ điều kiện tham gia các công việc phòng chống dịch hiện nay. Nhanh chóng tập huấn và đưa lực lượng này vào chăm sóc F0 tại các cơ sở điều trị để giảm áp lực cho lực lực lượng ở các cơ sở điều trị.
Ngoài ra, trong quá trình tiêm vaccine, cần tập trung vào nhóm người có nguy cơ cần bảo vệ như người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai… và nhóm người tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội sau này. Đồng thời giao Sở Y tế TPHCM nghiên cứu “thẻ xanh” vaccine để có những quy định những ai được tham gia các hoạt động sau này.
Hỗ trợ 5,3 triệu người khó khăn bằng chuyển khoản
Về lâu dài, đảm bảo an sinh cho người dân trước tác động rất lớn của dịch Covid-19, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị, hiện nay, số liệu thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn thành phố có 2 triệu hộ với 5,3 triệu nhân khẩu gặp khó khăn cần hỗ trợ an sinh.
UBND TPHCM đề xuất mức hỗ trợ 750.000 đồng/người/tháng (tổng gần 8.000 tỷ đồng). Đồng thời giao các sở, ban, ngành và địa phương rà soát, lập danh sách đầy đủ những người khó khăn cần hỗ trợ gói an sinh này. Sau đó, quản lý bằng công nghệ và TPHCM sẽ chuyển tiền hỗ trợ trực tiếp đến số tài khoản người nhận.
“Chúng ta cực ban đầu nhưng sau này sẽ quản lý chặt chẽ hơn, để không ai bị bỏ sót”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, đồng thời đề nghị từ đây đến trước ngày 15-9 phải có danh sách tương đối chính xác. Sau ngày 15-9, bắt đầu triển khai thực hiện gói hỗ trợ. Trước mắt, TPHCM đề xuất hỗ trợ hai tháng 9 và 10 rồi tính tiếp, tùy theo tình hình dịch.
Về an ninh trật tự, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các quận huyện và TP Thủ Đức hết sức quan tâm vấn đề này.
Theo đồng chí, thời gian giãn cách càng lâu càng có nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, tâm lý người dân, các tác động do dịch. Do đó, Công an TPHCM và các địa phương phải nắm chắc địa bàn, kiểm soát tình hình để có những phương án đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, trên từng pháo đài.