4 nhiệm vụ trọng tâm chống dịch Covid-19
• PV: Trở thành tân Chủ tịch UBND TPHCM, đồng chí vui lòng chia sẻ cảm giác của mình vào lúc này?
• Chủ tịch UBND TPHCM PHAN VĂN MÃI: Tôi về nhận nhiệm vụ ở TPHCM được gần 3 tháng và hôm nay vinh dự được HĐND TPHCM bầu làm Chủ tịch UBND TPHCM. Các đồng chí hỏi tôi “nghĩ gì trong lúc này”, tôi chia sẻ rất thật lòng, đây là thời khắc rất khó khăn cho TPHCM và cũng là khó khăn đối với tôi.
Tôi thấu hiểu người dân TPHCM đang trải qua những ngày khó khăn nhất khi giãn cách xã hội, phải chịu đựng bao nhiêu bất tiện, bao nhiêu thiếu thốn, và kể cả mất mát trong những ngày vừa qua. Đây là việc không mong muốn và người dân phải trải qua như thế, rất khó khăn.
Thứ hai, dịch bệnh kéo dài gây tổn thương rất lớn đến kinh tế - xã hội của TPHCM, từ đó cũng ảnh hưởng đến cả nước. Các hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình đốn, người dân không có việc làm, không có thu nhập. Từ đó, dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất và khả năng chúng ta bị mất thị trường rất lớn, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng rất nhiều.
Cả TPHCM và người dân đang phải gánh chịu những tác động rất nặng nề của đại dịch, đang tạo ra những khó khăn rất lớn cho kinh tế - xã hội và đời sống. Khó khăn này của TPHCM ảnh hưởng đến tình hình chung của cả nước.
Với cá nhân là người được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND TPHCM, tôi rất trăn trở trước tình hình như thế và thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn. Tôi bày tỏ tinh thần và quyết tâm cao khi nhận nhiệm vụ. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu là với cá nhân mình thì không thể nào làm được tất cả.
Vì thế, tôi rất mong muốn có sự đồng lòng chung sức của hệ thống chính trị, chính quyền, của người dân TPHCM, cùng nhau vượt qua khó khăn này. Đồng thời, tôi cũng rất mong muốn có sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của cả nước, kể cả của bà con kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế giúp cho TPHCM.
Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu nhận nhiệm vụ khi được bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND TPHCM, trưa 24-8-2021. Ảnh: VIỆT DŨNG
• Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất phòng chống dịch mà đồng chí sẽ ưu tiên tập trung là gì?
• Đó là làm sao huy động được tất cả nguồn lực của TPHCM, nguồn lực trong và ngoài nước để tập trung thực hiện mục tiêu giảm tử vong. TPHCM mở rộng và nâng cao năng lực điều trị, tiếp cận sớm, điều trị sớm và giảm tử vong. Đó là mục tiêu số 1.
Song song đó, mục tiêu thứ hai là chăm lo đời sống của người dân bằng an sinh xã hội, bằng giải quyết nhu cầu hàng ngày về chăm sóc sức khỏe, làm sao để người dân yên tâm. Đây là điều kiện để ổn định xã hội.
Thứ ba, tôi quan tâm đến việc thực hiện bài bản các biện pháp để kiểm soát, cải thiện tình hình. Biện pháp quan trọng là giãn cách xã hội, là xét nghiệm để kịp thời phát hiện F0 và kịp thời điều trị, đẩy mạnh tiên độ tiêm chủng, mở rộng độ bao phủ vaccine để nhanh đạt miễn dịch cộng đồng.
Thứ tư, tôi quan tâm đến công tác thông tin truyền thông. Công tác thông tin trong phòng chống dịch thời gian qua có lúc, có nơi làm chưa tốt và tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn, giúp mọi người hiểu được mục tiêu, biện pháp trong phòng chống dịch bệnh, để từ đó tin tưởng, hợp tác.
Đó là 4 việc mà tôi tập trung trong thời gian tới. Bao trùm đó là thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết 86 của Chính phủ là đến ngày 15-9 sẽ kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TPHCM.
Từng bước mở lại hoạt động kinh tế
• Kế hoạch sắp tới của đồng chí có tính đến việc mở cửa nền kinh tế?
• Tôi khẳng định mở cửa lại nền kinh tế của TPHCM là yêu cầu đặt ra hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta phải có kế hoạch cụ thể và việc mở cửa phải có lộ trình từng bước. Tôi sẽ chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng của TPHCM nghiên cứu hoàn thiện kế hoạch cụ thể để ứng phó có hiệu quả với tình hình dịch bệnh trong điều kiện hiện nay, để khôi phục và phát triển kinh tế phù hợp với bệnh còn kéo dài, phức tạp.
Tôi cũng muốn chia sẻ rằng, nói đến ngày 15-9 kiểm soát được dịch bệnh không có nghĩa đến đó là hết dịch. Có thể tới đó, số ca nhiễm Covid-19 giảm dần; số ca cần phải đưa vào điều trị sẽ bằng hoặc nhỏ hơn số giường, năng lực điều trị của TPHCM; số ca tử vong sẽ giảm; hay số "vùng xanh" sẽ mở rộng hơn, "vùng đỏ", "vùng cam" và "vùng vàng" giảm đi.
Đó là các tiêu chí để đo lường cho việc ngày 15-9 kiểm soát được dịch bệnh, chứ không phải đến ngày 15-9 là không còn dịch. Mà chúng ta thấy, tình hình này có thể kéo dài đến cuối năm 2021, hoặc sang năm 2022. Ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, châu Âu hay nhiều nước châu Á, các nước có thực hiện đồng bộ các biện pháp quyết liệt, có tỷ lệ tiêm vaccine cao hơn, nhưng diễn biến của chủng Delta phức tạp thì tình hình dịch bệnh cũng phức tạp.
Như vậy sẽ mở cửa thế nào? Chúng tôi sẽ thành lập bộ phận, xây dựng kế hoạch này một cách cụ thể. Bộ phận này gồm cơ quan chức năng với các đồng chí trực tiếp tham gia phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, là những người có kinh nghiệm.
Chúng tôi cũng sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước để bổ sung các biện pháp từ nay đến 15-9 và đồng thời có kế hoạch sau 15-9.
Theo đó, sẽ tính toán, tùy theo tình hình dịch mà mở cửa nền kinh tế. Việc mở cửa nền kinh tế, mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên nguyên tắc phải đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch Covid-19. Những ngành thiết yếu, TPHCM phải có biện pháp duy trì mà mở rộng các ngành này. Đối với những ngành quan trọng phải có giải pháp an toàn để duy trì và mở rộng sản xuất.
Và ở địa bàn "vùng xanh" – vùng an toàn, sẽ tiến hành các hoạt động tương đối mở rộng hơn. Trong khi đó, ở nơi mà doanh nghiệp hay người dân có thể có sáng kiến đảm bảo an toàn trong sản xuất, thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ mở ra. Với những hướng như vậy, cộng thêm ứng dụng công nghệ thông tin là những điều chúng tôi tính đến.
Chúng tôi cũng đang cho nghiên cứu chương trình để có thể quản lý về cá nhân, quản lý các hoạt động di chuyển, sản xuất, dịch vụ và quản lý các điểm đến. Nếu đảm bảo an toàn – mỗi người được tiêm vaccine rồi, không có dấu hiệu mắc Covid-19 và có hành trình di chuyển an toàn, điểm đến an toàn thì có cá nhân an toàn. Với hành trình an toàn, điểm đến an toàn, cá nhân an toàn, chúng ta sẽ tổ chức được các hoạt động dịch vụ.
Đó là những ý định mà chúng tôi sẽ tập trung xây dựng thành kế hoạch cụ thể để chuẩn bị lâu dài cho TPHCM. Tinh thần là nỗ lực thực hiện giãn cách, tiếp tục xét nghiệm, mở rộng độ bao phủ của vaccine, cộng với nỗ lực trị bệnh, dùng thuốc, can thiệp kịp thời, cấp cứu đúng lúc thì sẽ có cơ sở tốt để đảm bảo an toàn và từ đó từng bước mở lại hoạt động kinh tế.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trả lời phỏng vấn báo chí tại kỳ họp thứ hai HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, trưa 24-8-2021. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cầu thị kết nối các nguồn lực
• Giải pháp của đồng chí trong việc chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân?
• Đây là vấn đề hết sức lo lắng, đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng chí Chủ tịch HĐND TPHCM cũng đã nói rất nhiều và UBND TPHCM đã trình bày trong các tờ trình. Khi TPHCM thực hiện giãn cách “ai ở đâu ở đó”, TPHCM đã xác định rất quan tâm về nhu cầu về cơ bản tối thiểu, nhất là lương thực thực phẩm, thuốc men… của người dân.
Tuy nhiên, với một thành phố trên 10 triệu dân thì rất khó khăn. Lo ăn cho gia đình 4 người đã khó khăn, với một thành phố trên 10 triệu người thì việc này không đơn giản chút nào.
Trước hết, TPHCM rà soát lại các chính sách, các việc đã có chủ trương rồi thì bây giờ triển khai tới đâu. Mấy ngày tới, sẽ kiểm tra để đảm bảo khi đã có chủ trương, chính sách rồi thì tổ chức thực hiện ngay. Chỗ nào còn tồn đọng, phải khẩn trương triển khai. Chúng tôi đánh giá sau ngày 25-8, tình hình sẽ khó khăn.
Thứ hai, TPHCM sẽ rà soát lại các chính sách, các đối tượng cần hỗ trợ có thiếu gì nữa không thì tiếp tục bổ sung, trên tinh thần Chính phủ đã đồng ý. Trong lúc khó khăn này, cần nhanh nhất có thể để hỗ trợ cho người dân.
Sau đó, phần nào TPHCM lo được thì TPHCM lo; còn không, sẽ xin Chính phủ. Những đối tượng nào có hồ sơ chung rồi thì đơn giản; nếu không có thì tiếp tục hoàn thiện, chứ không chờ khi có chính sách, hồ sơ mới làm.
Thứ tư, TPHCM sẽ thông báo các chính sách này để người dân biết, ai chưa được thì liên hệ hoặc thông qua giám sát của HĐND TPHCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, giám sát của báo chí, của người dân để nhắc nhở các cấp chính quyền thực hiện cho tốt hơn. Chúng tôi sẽ sớm rà soát các chính sách này và thông báo sớm cho người dân biết.
Trên tinh thần khẩn trương tiếp nhận các nguồn lực ngân sách từ Trung ương, TPHCM cũng như đón nhận sự giúp đỡ của cả nước, vận động của cộng đồng xã hội để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Lực lượng chức năng hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho gia đình có trường hợp F0 ở quận 8. Ảnh: CAO THĂNG
• Thông điệp của đồng chí trên cương vị mới?
• Tôi có niềm tin, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua. Khi có sự chung sức đồng lòng của chính quyền, của người dân, có sự giúp đỡ từ Trung ương, các tỉnh thành trong cả nước, kể cả kiều bào ở nước ngoài thì TPHCM vượt qua khó khăn này.
Thứ hai, TPHCM là nơi hội tụ những nguồn lực phát triển, nhân tài, vật lực có ở TPHCM hoặc có ở bên ngoài thành phố nhưng có sự kết nối chặt chẽ với thành phố này. Nếu TPHCM kết nối được, khơi dậy được thì nguồn lực phát triển sẽ rất lớn.
Cho nên, đây là một trong những mục tiêu tôi sẽ tập trung theo đuổi trong thời gian sắp tới, làm sao hệ thống chính quyền TPHCM phải làm tốt vai trò, chức trách của mình, để từ đây phục vụ tốt hơn cho người dân, kết nối tốt hơn các nguồn lực. Đồng thời phải thực sự cầu thị kết nối các nguồn lực. Đây là vấn đề tôi rất tâm đắc trong quá trình chuẩn bị nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND TPHCM.
Thứ ba, nguồn lực đó nằm trong dân cho nên cần sự ủng hộ, sự đồng tình tham gia của người dân. Do đó, chính quyền phải thực sự nỗ lực phục vụ người dân, làm cho dân tin tưởng, ủng hộ. Khi đó, sức mạnh của dân rất lớn, giúp TPHCM phát triển rất mạnh.
Về mặt cá nhân, tôi đã chịu ơn thành phố rất nhiều từ khi đi học và làm việc tại đây. Trong suốt thời gian làm việc, tôi cũng liên hệ và nhân được sự giúp đỡ của TPHCM. Cho nên, trong trách sắp tới, tôi tâm niệm phải học tập nhiều hơn nữa để có thể đảm đương nhiệm vụ được giao. Trong công việc, phải quyết liệt hơn nữa để thực hiện nhiều nhất có thể.
Trong quá trình đó, tôi rất mong nhận được sự hợp tác giúp đỡ của đồng chí đồng nghiệp, đặc biệt là sự góp ý giúp đỡ và giám sát góp ý của các tầng lớp nhân dân thành phố, các chức sắc tôn giáo, kiều bào nước ngoài.
Qua đây, tôi gửi lời chia sẻ đến cán bộ, chiến sĩ, đồng bào thành phố, rất mong có sự đồng lòng chung sức để cùng TPHCM vượt qua khó khăn trong thời gian trước mắt, xây dựng TPHCM phát triển xứng tầm trong thời gian tới.