Sáng 26-11, Bộ KH-ĐT phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 154 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT; Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM thống nhất cao chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. TPHCM đang khẩn trương chuẩn bị tổ chức hội nghị triển khai chương trình hành động và kế hoạch thực hiện vào tháng 12 tới đây.
Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, TPHCM sẽ tập trung xây dựng, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, cực tăng trưởng của vùng và sớm triển khai xây dựng 7 đề án, 9 dự án. Cùng với đó, TPHCM tích cực tham gia cùng các bộ ngành Trung ương, các địa phương trong vùng triển khai các công việc chung.
Cụ thể, đó là TPHCM rà soát, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Đồng thời, TPHCM đang xây dựng chính sách phát triển mạnh các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho TPHCM và vùng Đông Nam bộ trong giai đoạn tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Ảnh: CAO THĂNG
Hiện tại, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết đang rà soát giữa nhiệm kỳ và đưa các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết 24 vào thực hiện kể từ năm 2023. Tập trung phát triển kinh tế theo hướng phát triển mạnh kinh tế dịch vụ với các dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế; Trung tâm thương mại, du lịch, logictics quốc tế; Trung tâm đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khỏe quốc tế. Cùng với đó, TPHCM tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao và giá trị gia tăng cao.
Trong đó, TPHCM đang rà soát, chuyển đổi công năng các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, gắn với hình thành các khu công nghiệp chuyên đề như công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp dược, vật tư y tế, cơ khí, tự động hóa… Các trung tâm đổi mới sáng tạo và hình thành mô hình công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại, hình thành sàn giao dịch công nghệ.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
TPHCM tập trung phát triển đô thị theo tinh thần Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, tiếp tục khẳng định đô thị trung tâm của vùng và cả nước, kết nối với các đô thị khác trong vùng. Đồng thời, TPHCM tích cực tham gia xây dựng hành lang công nghiệp, đô thị, logictics của vùng. Đồng thời, TPHCM tập trung giải quyết các vấn đề xã hội của một đô thị lớn, như vấn đề lao động, nguồn nhân lực, nhà ở, ùn tắc giao thông, ngập nước, môi trường, an sinh xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu…
Cùng với đó, TPHCM quan tâm bảo vệ, phát triển khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trên địa bàn TPHCM. Thành phố cũng tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó tập trung hạ tầng, hệ thống đường sắt đô thị kết nối với các tỉnh trong vùng và TP Cần Thơ; hệ thống logictics cảng của vùng, đường ven biển, đường thuỷ kết nối vùng và đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
Chủ tịch UBND TPHCM đề xuất, nghiên cứu phát triển mạng lưới đường sắt kết nối vùng Đông Nam bộ. Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm củng cố thành phần và cơ chế hoạt động của hội đồng vùng. Trong đó, quy định rõ ràng cơ chế hoạt động của vùng trong triển khai xây dựng quy hoạch vùng cũng như quy hoạch các địa phương trong vùng; quy chế hoạt động của hội đồng vùng trong điều phối các công trình trọng điểm trong vùng.
Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị thêm, thành lập Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng với nguồn vốn hỗn hợp, đó là nguồn vốn từ các nhà tài trợ quốc tế, ngân sách Trung ương và địa phương. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, nguồn vốn cho dự án đường Vành đai 3 rất tốt khi kết hợp nguồn vốn Trung ương và địa phương.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
“Tôi rất mong muốn chúng ta có Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng. Trong đó có nguồn vốn từ các nhà tài trợ quốc tế, nguồn vốn Trung ương và địa phương thì giải quyết rất nhanh các dự án giao thông trong vùng”, Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ và nhấn mạnh, TPHCM cam kết, hành động với trách nhiệm cao nhất để hiện thực hóa Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và đóng góp vào sự phát triển chung của vùng và cả nước.