Tại buổi họp mặt, TS Philipp Roesler (người Việt Nam tại Đức, nguyên Phó Thủ tướng Đức, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ) chia sẻ cảm xúc rất đặc biệt khi tham dự họp mặt đúng ngày đưa tiễn ông Táo về trời (ngày 23 tháng Chạp). TS Philipp Roesler kể về số phận riêng khi trưởng thành từ trại trẻ mồ côi và bày tỏ, chuyến trở về Việt Nam trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 không chỉ nhắc nhớ nguồn gốc và tạo những ấn tượng sâu sắc về đất nước, mà còn nhắc nhở rằng, cần làm nhiều hơn nữa đóng góp cho quê hương. |
Tối 25-1, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức họp mặt giữa lãnh đạo TPHCM với người Việt Nam ở nước ngoài.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao); cùng hơn 300 kiều bào từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên gặp gỡ kiều bào. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với kiều bào tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thay mặt lãnh đạo TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vui mừng chào đón bà con kiều bào đã tề tựu trong buổi họp mặt ấm cúng.
Nỗ lực để có tết đoàn viên
Mở đầu bài phát biểu, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ, khi tết về, ai đi xa cũng sắp xếp công việc để được đoàn viên với người thân, gia đình của mình. Tuy nhiên, năm qua không có cuộc gặp mặt đông đủ, ấm cúng do dịch Covid-19. Chỉ cách đây hơn nửa năm, tại TPHCM, không ai nghĩ rằng sẽ có cuộc họp mặt đông đủ như thế này. Khi dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM, bà con ở nước ngoài đã luôn đau đáu, luôn lo lắng cho thành phố trong thời khắc cam go nhất, khốc liệt nhất, thậm chí quặn lòng với thành phố ở thời khắc đó.
Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ, với nỗ lực không mệt mỏi của tất cả người dân và hệ thống chính trị TPHCM, sự giúp sức của Trung ương, các ngành các cấp, người dân cả nước, đặc biệt bà con ở nước ngoài dành cho thành phố, đến giờ này thành phố đã kiểm soát được dịch, có thể tổ chức vui xuân đón tết và gặp mặt nhau trong những ngày tết đoàn viên.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp mặt kiều bào. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhân buổi họp mặt này, Chủ tịch UBND TPHCM báo cáo tóm tắt về kết quả năm 2021. Trong khó khăn do đại dịch Covid-19, TPHCM cũng đạt được những điểm sáng đáng chú ý. Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 381.531 tỷ đồng, đạt 104,5% dự toán. Đầu tư FDI đạt 7,38 tỷ USD, tăng 38,48% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ, đây là kết quả nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Lượng kiều hối về TPHCM trên 6,6 tỷ USD. TPHCM cũng đã quan tâm hơn trong chuyển đổi số và đạt được những kết quả tích cực.
Trong điều kiện khó khăn, TPHCM đặc biệt quan tâm đến an sinh xã hội, nhờ vậy người dân ổn định được đời sống, vượt qua giai đoạn khó khăn. Để có được những kết quả này, Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá cao sự chung sức đồng lòng, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn của người dân thành phố, đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ chia sẻ của người dân TPHCM đang sinh sống ở nước ngoài. Bà con ở nước ngoài đã hỗ trợ, động viên không chỉ về tinh thần, mà cả vật chất để giúp thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn.
Góp ý khắc phục hậu quả sau dịch
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát với biến thể Delta đã tác động rất lớn đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. TPHCM chịu nhiều tổn thất nặng nề về sức khỏe, sinh mạng người dân; trong đó có những tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố mà trong thời gian ngắn khó khắc phục xong. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của TPHCM giảm rất sâu, giảm 6,78%, đây là con số giảm sâu nhất trong hơn 40 năm qua.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG
Qua đại dịch Covid-19, TPHCM nhận thấy có nhiều vấn đề lớn cần giải quyết, khắc phục như về quản trị, cơ cấu kinh tế, các vấn đề xã hội; cơ sở dữ liệu, kết nối dữ liệu, dùng dữ liệu để quản trị; vấn đề động lực cho sự phát triển của TPHCM trong thời gian tới… Đây là những vấn đề rất lớn, rất mới đặt ra nhiều thách thức cho lãnh đạo thành phố.
Trong năm 2022, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, nhiệm vụ trước mắt đó là khắc phục những hậu quả do dịch Covid-19 gây ra. Do đó, TPHCM mong bà con người Việt Nam ở nước ngoài cùng chia sẻ, quan tâm, nghiên cứu, góp ý với lãnh đạo TPHCM để giải các bài toán đặt ra.
Trong năm mới, TPHCM quyết tâm lấy lại đà để phát triển cho những năm tiếp theo với việc triển khai nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó thành phố đã đề ra chủ đề của năm 2022 với 4 trọng tâm.
Trong đó, TPHCM phải đảm bảo phòng chống dịch Covid-19; tập trung nâng cao chất lượng chính quyền đô thị; cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả cải cách hành chính để huy động các nguồn lực tại thành phố, bên ngoài thành phố, kể cả ở nước ngoài; TPHCM xác định luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đây là lực lượng đóng góp trực tiếp, quan trọng cho sự phát triển của thành phố.
Hiến kế xây dựng TPHCM phát triển, là nơi đáng sống
Đi vào chi tiết hơn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, đã yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức, các sở ngành cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. TPHCM tiến hành rà soát những vấn đề còn tồn đọng, ách tắc và theo đó thành lập các tổ công tác để tháo gỡ theo từng vấn đề. Bên cạnh đó, TPHCM ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số để các hoạt động minh bạch hơn, hiệu quả hơn.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tặng Cờ truyền thống cho Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TPHCM thông tin thêm một số việc thành phố đang triển khai và mong mỏi đón nhận nhiều ý kiến đóng góp của kiều bào để TPHCM hoàn thiện, triển khai các nhiệm vụ vào thực tế hiệu quả hơn. Trong đó, nhiều mảng văn hóa - xã hội TPHCM đầu tư chưa tương xứng với phát triển kinh tế nên thời gian tới mong kiều bào quan tâm, góp ý những kinh nghiệm và đầu tư vào các lĩnh vực này.
Đồng thời, đồng chí Phan Văn Mãi mong kiều bào góp ý triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060. Đây là việc rất quan trọng để thành phố có quy hoạch chất lượng, tốt nhất. Đối với TP Thủ Đức, TPHCM tập trung hoàn thiện mô hình, phương thức hoạt động để TP Thủ Đức trở thành động lực phát triển mới của thành phố.
TPHCM cũng nghiên cứu, đề xuất xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế. Đây là việc mới và khó đối với thành phố, do đó thành phố phải nghiên cứu, học hỏi các mô hình của các nước trên thế giới; và đề xuất có những cơ chế đặc thù để xây dựng và đưa trung tâm hoạt động. TPHCM tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó có đường vành đai 3, 4; các tuyến metro, các tuyến cao tốc nối TPHCM với các tỉnh thành trong khu vực; tổ chức lại giao thông công cộng theo hướng giao thông thông minh.
Bên cạnh đó, TPHCM đầu tư cho hạ tầng số để phục vụ chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố và Trung tâm điều hành đô thị thông minh. “Chúng tôi rất mong muốn có sự tham gia của các chuyên gia, đầu tư của các doanh nghiệp và kiều bào”, đồng chí Phan Văn Mãi bày tỏ.
Từ các nhiệm vụ trọng tâm trên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi hy vọng, kiều bào tiếp tục quan tâm, góp ý và hiến kế để cùng nhau xây dựng TPHCM phát triển, trở thành đô thị năng động, nơi đáng sống không chỉ cho người dân thành phố, mà cho bạn bè quốc tế.
Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM làm đầu mối để tiếp thu các ý kiến, hiến kế của kiều bào; cũng như làm đầu mối để các doanh nghiệp của kiều bào hoặc bạn bè trên thế giới tìm hiểu, đầu tư tại Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng. UBND TPHCM cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để kiều bào, bạn bè trên thế giới tham gia đầu tư vào thành phố.
Dịp này, UBND TPHCM trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân kiều bào đã có nhiều đóng góp cho TPHCM.