Sáng 3-3, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP tháng 2 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 3.
Cần chi ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp
Tại phiên họp, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai thông tin, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội TP đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 12,7%; doanh thu du lịch tăng 115,8% so với cùng kỳ. Khách du lịch quốc tế đến TP đạt hơn 319 ngàn lượt, tăng 100% so với cùng kỳ (đầu năm 2022 còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không có khách du lịch quốc tế). Số doanh nhiệp thành lập mới tăng 13,1%.
Tổng thu ngân sách 2 tháng đầu năm ước đạt hơn 93.000 tỷ đồng, đạt 19,83% dự toán năm và tăng 5,95% so cùng kỳ. Trong 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng kỳ; khối lượng vận tải hành khách tăng 57,7%; số lượng hành khách đi và đến TPHCM bằng đường sắt tăng 158%, bằng đường hàng không tăng 94% so với cùng kỳ. Thành phố thu hút được khoảng 369,1 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ; thu ngân sách tăng 5,95%; kim ngạch xuất khẩu tăng 3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó là những khó khăn, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên nhưng so với cùng kỳ lại giảm. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 20,1% so với cùng kỳ. Thị trường bất động sản gặp khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh trong năm 2022...
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, cho rằng trong hai tháng đầu năm có một số dấu hiệu phải nhìn nhận và đánh giá lại thật kỹ. Đó là chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn âm trong bối cảnh chỉ số này của cả nước cũng âm sâu – điều chưa từng có trong 20 năm qua. Trong thương mại dịch vụ có tăng trưởng nhưng vẫn rất chậm vì tốc độ phục hồi du lịch và hoạt động vui chơi giải trí chưa như kỳ vọng, bất động sản giảm sâu 13%. Sản xuất khó khăn sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng...
Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Nguyễn Khắc Hoàng nêu giải pháp đầu tiên là phải tập trung cho các doanh nghiệp. Nếu như trước đây đặt ra vấn đề thu đúng và thu đủ, thì trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Nhà nước cần chi ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng, tạo nguồn thu cho Nhà nước. Việc này cũng được các nước áp dụng trong thời điểm khó khăn.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM, phân tích thêm, việc một số lượng lớn công nhân, lao động ở TPHCM và khu vực phụ cận mất việc làm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn TPHCM. Do đó, Công an TPHCM đề nghị Sở LĐTB-XH chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương có phương án giới thiệu giải quyết việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ người lao động mất việc sớm được hưởng các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc để góp phần ổn định tình hình.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Trương Minh Huy Vũ cũng nhìn nhận, tình trạng doanh nghiệp cắt giảm lao động dự báo tiếp tục diễn ra. Mới đây, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo về người nghèo đô thị liên quan đến cắt giảm lao động diện rộng, gây sức ép cho lao động không chính thức tại TPHCM. Điều này sẽ tạo gánh nặng cho an sinh và kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, các vấn đề về y tế như thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế ở các bệnh viện công sẽ tạo nên hệ luỵ rất lớn.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Trương Minh Huy Vũ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Theo TS Trương Minh Huy Vũ, TPHCM đang đề xuất rất nhiều cơ chế chính sách tạo động lực phát triển. Tuy nhiên trong số đó có những việc mà tự thân TPHCM có thể làm được, như phát triển kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè, kinh tế tuần hoàn và những vấn đề mới liên quan đến kinh tế số. Theo ông, với những nội dung trong thẩm quyền, khả năng của thành phố thì cần nhanh chóng thúc đẩy thành chính sách cụ thể để tạo động lực phát triển mới.
Thúc đẩy hành động quyết liệt
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Phan Văn Mãi nhìn nhận, kết quả kinh tế xã hội tháng 2 cho thấy tình hình kinh tế xã hội đạt khá tốt so với dự báo và chỉ tiêu đề ra. Đây là điều đáng mừng, cần cố gắng tiếp tục phát huy trong tháng 3 để kết thúc quý 1 như kế hoạch.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, một số kết quả nổi bật như TPHCM đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ lắng nghe, ghi nhận khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Trong tháng 3, TPHCM sẽ tập trung giải quyết vấn đề trên thực tế, để mang lại niềm tin, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh một điểm sáng khác là diễn biến tích cực trong đầu tư công, năm nay phân bổ vốn đầu tư công sớm hơn. Cuối tháng 3 này, dự kiến HĐND TPHCM sẽ họp chuyên đề để phân bổ vốn cho 8 dự án lớn. TPHCM cũng đã khởi công được các dự án đầu tư công lớn, đã có sự chuyển biến, cần tiếp tục.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Chúng ta cộng hưởng được, nắm bắt được, sẽ chấm dứt đà suy giảm sớm hơn, tăng tốc sớm hơn |
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng đề cập đến những khó khăn trong hai tháng đầu năm, như sản xuất công nghiệp vẫn còn giảm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 3 lần doanh nghiệp thành lập mới. Trong 81 nhiệm vụ cần hoàn thành của tháng 2, có tới 12 nhiệm vụ trễ hạn.
Về tháng 3, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết các chuyên gia, sở ngành đã đánh giá rằng đà giảm từ quý 4-2022 vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng cho đến hết quý 1 và cho đến hết quý 2. Tuy nhiên, hiện nay đã thấy có một số tín hiệu tích cực từ kinh tế thế giới. Trong nước, Chính phủ và Thành phố cũng tập trung tháo gỡ khó khăn.
“Chúng ta cộng hưởng được, nắm bắt được, sẽ chấm dứt đà suy giảm sớm hơn, tăng tốc sớm hơn. Phải kịp nắm cơ hội, đồng lòng, tập trung mới tạo ra được hiệu ứng cộng hưởng”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Về những giải pháp trong tháng 3, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh đến việc tập trung giải quyết cơ bản những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp. Trong tuần này, Thành phố sẽ tổng hợp tất cả khó khăn, vướng mắc, phân công cho từng sở ngành để sớm giải quyết dứt điểm. Đối với những việc kéo dài thì phải xây dựng lộ trình cụ thể để giải quyết.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phân công Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản. Đây là ngành có tác động lan tỏa rất lớn, nên cần phải tập trung cao độ rà soát, giải quyết khó khăn của ngành. Đồng chí yêu cầu tập trung giải quyết theo tinh thần "làm ngày làm đêm, bàn luận sao cho ra được sự thống nhất". Có như vậy mới có được niềm tin, giải quyết được trên thực tế mới có tác động tích cực.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, một nhóm nhiệm vụ trọng tâm khác là cần có giải pháp cụ thể để phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ quan trọng của Thành phố. Trong đó tập trung vào những ngành có đóng góp lớn cho GRDP.
Trước những cảnh báo và ý kiến đóng góp của các đại biểu tại phiên họp, đồng chí Phan Văn Mãi cũng chỉ đạo các ngành tập trung giải quyết khó khăn về thiếu thiết bị y tế và việc làm cho người lao động.
Với tình hình thiếu thuốc, thiết bị y tế, đồng chí đề nghị sớm có thông báo chính thức đến nhân dân Thành phố tình trạng rõ ràng, không để người dân hoang mang. Với tình hình người lao động bị mất việc, giảm việc, đồng chí đề nghị Sở LĐTB-XH ghi nhận đầy đủ, đánh giá chân thực để giải quyết đúng tầm mức vấn đề.
Công bố dự án chậm trễ thủ tục, nguyên nhân chậm trễ
Phát biểu tại phiên họp, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, hạn chế đà suy giảm, giữ vững tăng trưởng là mục tiêu then chốt trong năm 2023 của TPHCM. Theo ông, kinh tế của thế giới đã “sáng sủa hơn” so với dự báo cuối năm ngoái, các nền kinh tế lớn không rơi vào cảnh suy thoái dù vẫn còn tình trạng trì trệ, suy giảm. Trong nước, những vấn đề lớn là sự phục hồi của thị trường bất động sản, thị trường tài chính và các vấn đề về lãi suất ngân hàng cao.
TS Trần Du Lịch |
Ông cho rằng, nếu năm 2023 TPHCM không giữ được mức tăng trưởng 8-8,5% thì khó khăn sẽ chồng chất năm sau, nhiệm vụ phục hồi kinh tế TPHCM sẽ bất lợi. Tuy nhiên, trước bối cảnh hiện tại của nền kinh tế, những khởi sắc cho TPHCM được dự báo sẽ chưa đến trong nửa đầu năm 2023. TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, Thành phố cần tập trung để kết quả của 6 tháng cuối năm sẽ bù đắp thất thoát cho giai đoạn hiện tại.
Để làm được điều đó UBND TPHCM cần giao Viện Nghiên cứu phát triển TP, Cục Thống kê, Sở Công thương, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tập trung đánh giá rõ các ngành công nghiệp, dịch vụ có đóng góp nhiều nhất cho thành phố và đề ra các biện pháp để thúc đẩy. Trong đó, các ngành cần tập trung là thương mại, tài chính, bất động sản, du lịch, logistics, xây dựng.
“Trong tình hình hiện nay, những việc làm cụ thể là rất quan trọng. Tôi đề nghị trong công tác điều hành, UBND TPHCM giao các sở công bố tất cả dự án đang chậm trễ thủ tục, nguyên nhân chậm trễ. Điều này nhằm tạo sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp và thể hiện kỷ luật công vụ”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.