Giám sát tăng 30%
Ngày 17-12, Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2022. Công tác giám sát là một trong những nội dung lớn được các ĐB quan tâm góp ý tại hội nghị.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, các cuộc giám sát năm 2022 tăng 30% so với năm 2021. Trong năm, Đoàn đã tổ chức 10 nội dung giám sát, khảo sát, trong đó có nội dung về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; về thực hành tiết kiệm chống lãng phí; giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội; về công tác quy hoạch, thực hiện Luật Nhà ở; việc thực hiện cơ chế tự chủ, đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; về công tác chống ngập...
Góp ý về chương trình giám sát, ĐB Nguyễn Minh Hoàng, nguyên Phó Chính ủy Quân khu 7, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM nói: "Khi giám sát về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, dường như các đại biểu chưa nghe được lời thật của giáo viên, ban giám hiệu". ĐB đề nghị: “Việc giám sát, phải đi đến gốc, đến bản chất của vấn đề, ghi nhận tiếng nói trung thực của cử tri, của cơ sở. Còn nếu chỉ nghe cơ quan báo cáo với cơ quan, thì không được”.
ĐB Nguyễn Minh Hoàng đề nghị đoàn ĐBQH TPHCM thời gian tới cần quan tâm hơn đến những vấn đề của TPHCM, như môi trường và giao thông. Theo ĐB, hai vấn đề này đã được TPHCM quan tâm đầu tư thời gian qua, nhưng chưa có nhiều chuyển biến.
Trong khi đó, ĐB Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị bổ sung thêm nội dung giám sát việc thực hiện Đề án 06. Bởi cử tri phản ánh rất nhiều về việc công an địa phương cho biết do lỗi mạng, nên việc trả căn cước công dân bị chậm. Ngoài ra, nên khảo sát về các dự án kéo dài để đánh giá khả năng tiếp tục thực hiện dự án, nếu không đảm bảo thì bỏ dự án để đảm bảo quyền của người dân.
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng đề nghị Đoàn ĐBQH TPHCM giám sát sau hoạt động xúc tiến đầu tư ở Hóc Môn, Củ Chi, trách nhiệm của huyện, của TPHCM nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện các dự án. Đồng thời đề nghị đoàn quan tâm hơn đến chính sách cán bộ, trong đó có các đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm.
Cử tri hỏi vấn đề A, cơ quan chức năng trả lời "A phẩy"
Liên quan đến việc nhận đơn và gửi đến các cơ quan có trách nhiệm trả lời, trong năm qua Đoàn ĐBQH TPHCM đã chuyển được 563 phiếu và nhận về 479 trả lời, đạt 85%, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, ĐB Trần Kim Yến cho biết, các văn bản trả lời của các đơn vị có liên quan không “vô” vấn đề cử tri đặt ra, nếu có chuyển nữa thì câu trả lời vẫn vậy. ĐB gọi tình trạng đó là, cử tri hỏi vấn đề A mà cơ quan chức năng trả lời vấn đề "A phẩy".
ĐB nêu ví dụ có vụ việc, kiến nghị được gửi ra tòa án nhân dân tối cao và được trả lời là do tòa án nhân dân cấp cao chưa gửi hồ sơ nên không giải quyết được.
“Vì sao lại như thế, trách nhiệm ở đâu? Việc chuyển giao hồ sơ giữa các cơ quan bị chậm, dẫn đến hết hạn giải quyết hồ sơ thì phải quy định như thế nào để có thêm thời gian giải quyết cho người dân”, ĐB Trần Kim Yến nói.
Hoàn thiện cơ chế tiếp thu ý kiến xây dựng pháp luật
Tham gia xây dựng pháp luật là một mảng nội dung lớn của ĐBQH. Năm qua, Đoàn ĐBQH TPHCM đã tổ chức lấy ý kiến của các sở ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia, luật sư, luật gia đóng góp cho 11 dự án luật.
ĐB Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng – an ninh của Quốc hội cho rằng thời gian qua, đoàn ĐBQH TPHCM đã đóng góp nhiều ý kiến, nhưng chưa được tiếp thu. Có thể nguyên nhân là tổng hợp không hết ý, hoặc do quan điểm của người tiếp thu. “Cần quyết liệt hơn để trí tuệ tập thể của chúng ta được ghi nhận”, ĐB Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, cũng nhìn nhận, trong năm qua, đoàn ĐBQH TPHCM đã có nhiều đóng góp theo cả chiều rộng và chiều sâu. Tới đây Quốc hội sẽ xem xét thông qua những luật chuyên ngành rất sâu, như Luật Khám chữa bệnh, Luật Đấu thầu, Luật Giá. Các ĐB đã góp ý nhiều, bản thân ĐB cũng đã góp ý rất chi tiết nhưng không biết được việc tiếp thu tới đâu.
Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, Đoàn ĐBQH TPHCM nên góp ý để Quốc hội có cơ chế tiếp thu ý kiến góp ý, hoàn thiện các dự án luật. Các ĐBQH cần sớm nhận được thông tin các ý kiến góp ý đã được tiếp thu tới đâu, thay vì ra tới kỳ họp mới biết, khi đó không kịp góp ý nữa.
ĐB Nguyễn Thiện Nhân góp ý thêm, Đoàn ĐBQH TPHCM nên chọn một số luật mà Thành phố có điều kiện đóng góp nhiều, mỗi luật nên phân công 3-4 ĐB có chuyên môn sâu về luật đó để xây dựng một bản kiến nghị chung của đoàn. Với cách làm này, Trung ương cũng sẽ tiếp thu hiệu quả hơn, thay vì kiến nghị theo cá nhân ĐB.
Đồng tình với các ĐB, ĐB Trần Hoàng Ngân cũng nhìn nhận, thời gian qua khi góp ý luật, đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức lấy ý kiến của sở ngành, chuyên gia rất tốt, nhưng việc chuyển tải ý kiến đó ra nghị trường, thời gian qua có ít đi. ĐB đề nghị lãnh đạo đoàn, trên cơ sở góp ý của chuyên gia, có sự phân công các ĐB theo chuyên môn của mình để lên tiếng. Để các sở ngành, chuyên gia, cử tri thấy được tiếng nói của mình đã lên được nghị trường Quốc hội.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Nhìn thẳng vấn đề
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi nhìn nhận, trong năm 2022, từng ĐB đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt vai trò người đại biểu của nhân dân. Đồng chí tiếp thu một số ý kiến tại hội nghị và cho rằng, chất lượng ý kiến của đoàn ĐBQH TPHCM rất cao, nhưng hiệu quả hay không thì phải đánh giá ở việc ý kiến đó có được ghi nhận trong các điều luật hay không. Theo đồng chí, đoàn ĐBQH TPHCM cần tập trung vào những nội dung TPHCM có nhiều thực tiễn sinh động, đào sâu để đóng góp cho thật chất lượng.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Trước ý kiến của các ĐB về công tác giám sát, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định, tinh thần là giám sát có trọng tâm, không trùng lắp, phối hợp nhịp nhàng hoạt động giám sát của đoàn ĐBQH - HĐND - MTTQ, kết hợp nội dung để tránh trùng lắp, gây áp lực cho đối tượng giám sát.
Ở vai trò là Trưởng đoàn ĐBQH, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định phương pháp xác định trọng tâm, đi đến cùng vấn đề để giải quyết. Song song đó, với vai trò là Chủ tịch UBND TPHCM, đồng chí khẳng định: “Các đồng chí đừng ngại việc này. Tôi không bao giờ chỉ đạo một phó chủ tịch hay giám đốc sở nào vì thành tích mà nói không đúng vấn đề. Chúng ta phải xác định đúng vấn đề, tháo gỡ để tạo sự phát triển cho TP. TPHCM phát triển đi trước, đi đầu được cũng chính là nhờ nhận diện đúng, thẳng thắn giải quyết vấn đề”.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng cho biết, năm 2023 sẽ tập trung cho các trường hợp kéo dài về tiếp dân, về giải quyết đơn thư, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan…
Cử tri muốn được tiếp xúc với nhiều đại biểu
ĐB Nguyễn Minh Đức nêu nguyện vọng của cử tri TPHCM là rất muốn được tiếp xúc với nhiều ĐBQH khác, không chỉ ĐB trong tổ. Do vậy nếu các ĐB có thể “xoay tua” để cử tri các quận huyện đều có thể được tiếp xúc với Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND TPHCM thì cử tri sẽ rất vui.
Liên quan việc này, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định quan điểm tiếp tục đổi mới hình thức, hiệu quả tiếp xúc cử tri. Đồng chí đề nghị MTTQ cùng với Đoàn ĐBQH TPHCM cùng bàn bạc để phối hợp tổ chức, đổi mới hình thức, cách thức, nội dung tiếp xúc cử tri.