Sáng 4-9, UBND TPHCM tổ chức phiên họp thường kỳ về kinh tế - xã hội tháng 8. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở GD-ĐT TPHCM rà soát, chuẩn bị thực hiện lễ khai giảng thật sự ngắn gọn nhưng có ý nghĩa, gắn với giải quyết một số vấn đề tồn tại của ngành giáo dục như thiếu giáo viên.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, TPHCM có nguồn nhân lực ngoại ngữ dồi dào nhưng vẫn thiếu giáo viên ngoại ngữ, một phần do chính sách thu hút còn quá thấp. Do đó, đồng chí yêu cầu Sở GD-ĐT chủ trì rà soát, đề xuất những cơ chế, chính sách thu hút và liên kết với các cơ sở giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực này.
Về vấn đề thu phí đầu năm học ở các trường, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, các mức thu đã được quy định rõ ràng. Vì vậy, việc thu chi phải minh bạch, có thể vận động một số hạng mục ngoài nhưng phải thiết thực và được phụ huynh đồng thuận, nếu phụ huynh không đồng thuận thì không thu.
Chủ tịch UBND TPHCM khuyến khích báo chí phản ánh tình trạng lạm thu, vận động không đúng tại các trường. Đồng thời, yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ đạo sát sao, không để xảy ra tình trạng lạm thu. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế xử lý các vấn đề liên quan đến dịch sởi; quan tâm xử lý các vấn đề liên quan đến Trường Quốc tế Mỹ và rà soát các trường hợp tương tự, không để ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh.
Trước đó, báo cáo tại phiên họp về tình hình chuẩn bị năm học mới, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, sở đã tham mưu UBND TPHCM tổ chức 21 đoàn lãnh đạo thành phố cùng các sở, ngành dự khai giảng năm học mới tại các trường trên địa bàn. Trong đó có 2 trường ngoài công lập (ở TP Thủ Đức và quận Tân Phú). Đây là 2 trường ngoài công lập tiêu biểu của TPHCM.
Năm học 2024-2025, TPHCM tăng thêm hơn 24.000 học sinh, nhưng TPHCM đảm bảo 100% học sinh có chỗ học. Để chuẩn bị cho năm học mới, năm 2024 TPHCM sẽ hoàn thành 23 dự án với 476 phòng học. Trong đó, đầu tháng 9 khánh thành 18 dự án trường học với 413 phòng học; đến cuối năm dự kiến hoàn thành thêm 5 dự án với 63 phòng. TPHCM cũng đầu tư hơn 544 tỷ đồng sửa chữa nhà vệ sinh, trang thiết bị lớp học.
Liên quan đến dịch sởi trên địa bàn TPHCM, Sở GD-ĐT phối hợp Sở Y tế rà soát, thực hiện tiêm vaccine sởi cho học sinh xuyên lễ. Về nội dung này, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho hay, chỉ 2 ngày sau khi thành phố công bố dịch, 300.000 liều vaccine đã về TPHCM, đã tiêm chủng cho hơn 17.000 trẻ. Hiện sở thực hiện chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trẻ” để đảm bảo trẻ được tiêm đầy đủ. Với trẻ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi thì không cần tiêm lại.
Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm có những kết quả tích cực. Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,4% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 765.233 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Hoạt động vận tải trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng tích cực, tổng doanh thu vận tải tăng 37,5%, trong đó hoạt động hỗ trợ vận tải tăng 53,5%; tổng thu du lịch ước đạt 123.381 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những điểm tích cực, Giám đốc Sở KH-ĐT nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế, như giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 23-8 mới được 13.924,4 tỷ đồng, đạt 17,6% kế hoạch vốn năm 2024. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư tư nhân vẫn chưa hồi phục, doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,5% về số lượng, nhưng giảm 10,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; số lượng doanh nghiệp giải thể tăng 2,2%, tạm ngưng hoạt động tăng 8% so với cùng kỳ; 11.098 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 17% so với cùng kỳ, mỗi tháng cuối năm TPHCM phải giải ngân khoảng 20.000 tỷ đồng.
Trong 8 tháng, các thành phần kinh tế đã thu hút và giải quyết việc làm cho 221.337 lượt người (đạt 73,78% kế hoạch năm), trong đó tạo việc làm mới là 99.617/140.000 lượt lao động (đạt 71,16% kế hoạch năm). Công tác quản lý lao động người nước ngoài cũng được chú trọng. Tính đến tháng 8, tổng số lao động đã qua đào tạo đạt 4.315.286 người (87,96%). Tính đến ngày 31-7, có hơn 2,5 triệu trong số hơn 4,9 triệu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 51,94% lực lượng lao động trong độ tuổi.